Trong hướng dẫn triển khai tiêm vaccine Pfizer ngày 22/7, Bộ Y tế thông báo trong trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng AstraZeneca.
Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh nguồn vaccine hạn chế trên toàn cầu, tiến độ cung ứng không đủ để đảm bảo mỗi người đều được tiêm đủ 2 liều vaccine cùng loại khi đến lịch tiêm, một số quốc gia như Canada, Đức, Pháp, Na Uy, Hàn Quốc… đã kết hợp 2 loại vaccine phòng Covid-19 khác nhau để tiêm 2 mũi cho người dân.
Nghiên cứu tại một số quốc gia cho thấy sau khi tiêm mũi 1 AstraZeneca và mũi 2 Pfizer cho thấy miễn dịch sinh ra là tương đương với tiêm 2 mũi Pfizer và cao hơn so với tiêm 2 mũi AstraZeneca. Tuy nhiên tiêm AstraZeneca mũi 1 và Pfizer mũi 2 có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
“Một số quốc gia khuyến cáo tiêm hai loại vaccine khác nhau để tăng hiệu quả miễn dịch”, Bộ Y tế thông tin.
Hướng dẫn tạm thời của Tổ chức Y tế thế giới về việc sử dụng Pfizer, ngày 15/6 cũng đề cập đến việc sử dụng kết hợp tiêm mũi 2 là Pfizer sau khi tiêm mũi 1 AstraZeneca ở những nơi không có sẵn vaccine cùng loại do hạn chế về nguồn cung cấp hoặc các vấn đề khác.
Theo kế hoạch, tháng 7 Bộ Y tế tiếp nhận 746.460 liều Pfizer. Hai lượt vaccine đầu tiên mỗi lượt 97.110 liều đã tới Việt Nam. Ngày 12/7, trong quyết định phân bổ 746.460 liều Pfizer cho các địa phương và đơn vị để triển khai tiêm, Bộ Y tế nêu rõ trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm đồng ý.
Tại Việt Nam, đến ngày 22/7 hơn 3,5 triệu người đã được tiêm 1 liều vaccine và hơn 300.000 người tiêm đủ 2 liều phòng Covid-19.
Hai liều vaccine đảm bảo đủ hiệu quả với biến thể Delta
Nghiên cứu công bố ngày 21/7 cho thấy tiêm hai liều vaccine Covid-19 của Pfizer hoặc AstraZeneca hiệu quả ngăn ngừa biến thể Delta.
Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y khoa New England, tái khẳng định những phát hiện t.iền đề của giới khoa học Anh hồi tháng 5 về tác dụng của hai loại vaccine dựa trên dữ liệu thực tế.
Các nhà khoa học của Public Health England (PHE) cho biết hai liều Pfizer hiệu quả 88% ngăn ngừa các ca nhiễm biến thể Delta có triệu chứng, giảm không đáng kể so với tỷ lệ 93,7% với biến thể Alpha.
Hai liều AstraZeneca có tác dụng 67% chống biến thể Delta, tăng so với mức 60% báo cáo ban đầu. Vaccine hiệu quả 74,5% với biến thể Alpha.
Nghiên cứu nêu rõ: “Khác biệt về tác dụng của hai liều vaccine ở hai loại biến thể Delta và Alpha là rất ít”.
Tuy nhiên, một liều vaccine chưa đủ để ngăn ngừa các biến thể. Vaccine Pfizer hiệu quả 36% nếu chỉ tiêm một lần. Tỷ lệ này ở vaccine AstraZeneca là 30%.
Tác giả nghiên cứu cho biết: “Phát hiện này giúp thúc đẩy cộng đồng dễ bị tổn thương đi tiêm chủng trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành”.
Vaccine Pfizer đươc WHO chấp thuận ngày 1/1. Đây cũng là loại vaccine đầu tiên được tổ chức đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.
Vaccine Covid-19 của AstraZeneca và Pfizer. Ảnh: Reuters
Vaccine điều chế theo công nghệ mRNA, mang thông tin di truyền của nCoV vào cơ thể, thay vì virus nguyên bản đã bất hoạt hoặc giảm độc lực. Vaccine cung cấp thông tin về “bản mẫu” của virus mà không gây bệnh. Bản mẫu cho phép hệ miễn dịch làm quen mầm bệnh và t.iêu d.iệt chúng sau này. Vaccine Pfizer sử dụng ở 103 nước.
WHO cũng phê duyệt vaccine AstraZeneca hôm 15/2. Vaccine được điều chế dựa trên công nghệ vector virus, sử dụng virus cảm cúm vô hại từ tinh tinh. Vector vận chuyển vật chất di truyền của nCoV. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ nhận biết mầm bệnh, sản sinh kháng thể hoặc tế bào T (tế bào miễn dịch) để tự bảo vệ.