Được xây bằng vật liệu gạch và trang trí nghệ thuật bằng chất liệu đá và gốm, tháp bà Ponagar có kiến trúc độc đáo, là điểm đến du khách không thể bỏ qua khi đến Nha Trang (Khánh Hòa).
Tháp Bà Ponagar còn gọi là Tháp Bà nằm trên đồi Cù Lao, bên dòng sông Cái, trên đường 2 Tháng 4, TP Nha Trang (Khánh Hòa).
Những ngày cuối tháng 9, tiết trời Nha Trang nắng gắt. Anh Nguyễn Gia Hàng, 47 tuổi, đến quầy mua vé, đưa vợ con vào tham quan tháp bà Ponagar.
Trong những ngày lưu lại phố biển, gia đình anh Hàng trải nghiệm chèo SUP ngắm vịnh Nha Trang, loanh quanh các đảo, ăn uống và nghỉ ngơi.
Anh Hàng ở TP HCM, nhiều lần du lịch ở Nha Trang. Mỗi khi tới thành phố biển, vợ chồng anh hai con ghé vào tham quan Tháp bà Ponagar. Những đứa trẻ hứng thú khi nghe thuyết minh về sự tích của tháp. “Kiến trúc ở đây trông đẹp và huyền bí. Tôi muốn các con hiểu hơn về những di tích để chúng có thêm kiến thức”, anh Hà bày tỏ.
Công trình là quần thể tháp Chăm được xây từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 13.Tương truyền, dưới vương triều Panduranga để thờ nữ thần Ponagar là Mẹ xứ sở của người Chăm (gọi là Tháp bà Ponagar). Khu đền tháp có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tinh thần của dân tộc Chăm.
Năm 1653, khi người Việt đến cộng cư ở vùng đất dinh Thái Khang (này là tỉnh Khánh Hòa) đã tiếp biến văn hóa Chăm và coi nữ thần Ponagar là vị Thánh Mẫu Thiên Y A Na trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Theo tương truyền, Thiên Y A Na Thánh Mẫu là vị tiên giáng trần, đã có công dạy người dân trồng lúa, dệt vải, nuôi tằm…
Tháp Bà Ponagar là một quần thể kiến trúc lớn, được phân bố trên 3 mặt bằng gồm: Tháp cổng, Mandapa và khu đền tháp. Trải qua hàng nghìn năm, do biến động lịch sử, hiện nay, khu di tích còn lại 5 công trình kiến trúc ở hai mặt bằng là Mandapa (Khu tiền đình – là nơi mà người Chăm dùng để chuẩn bị lễ vật trước khi dâng lên) và khu đền tháp ở phía trên.
Trong đó, khu Mandapa có 4 hàng cột lớn xây bằng gạch nung, bao gồm 10 cột lớn phía trong và 12 cột nhỏ hình bát giác ở phía ngoài. Vị trí này được xây nhằm làm nhà chờ trước khi lên khu tháp làm lễ trong các dịp quan trọng của cộng đồng người Chăm Pa thời đó.
Còn khu đền tháp được xây dựng ở vị trí cao nhất của ngọn đồi Cù Lao, gồm 4 công trình, được xây theo kiểu Chăm, hoàn toàn bằng gạch. Lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về phía Đông. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ. Trong đó, có tháp Đông Bắc (tháp Chính); tháp Đông Nam (tháp cổ; tháp Nam (tháp Ông) và tháp Tây Bắc (tháp Cô Cậu).
Tháp Chính cao khoảng 23m, thờ nữ thần Ponagar – là phần hồn của cụm tháp cổ. Tháp có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần hình thú bằng đá, ở 4 góc có 4 tháp nhỏ. Cùng với đó, trên thân tháp còn có nhiều tượng, phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình các tiên nữ, các linh vật, ngỗng, dê, voi…, trên cửa tháp có bức phù điêu thần Shiva.
Tượng nữ thần Ponagar là một kiệt tác về điêu khắc Chămpa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi.
Ba tháp còn lại gồm tháp Nam thờ thần Siva, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo, tháp Đông Nam thờ thần Skandha và tháp Tây Bắc thờ thần Ganesa, là hai con trai thần Siva. Trong quần thể kiến trúc còn giữ lại nhiều bia ký cổ nhất của người Chăm, ghi lại những lời ca ngợi Nữ thần Ponagar, liệt kê những cống phẩm để xây dựng tháp cùng với việc dâng cúng ruộng đất…
Anh Đàng Xuân Kỷ (30 tuổi, chức sắc Kadhar – kiêm nghệ nhân Chăm ở huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) đang thổi kèn Saranai trong tháp bà Ponagar, đã thu hút người tham quan. Anh Kỷ chơi nhạc cụ này được 10 năm, đây là nhạc cụ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chăm, nên khi ra dự lễ anh đã thổi tại tháp bà.
Tháp Ponagar là một quần thể kiến trúc độc đáo và đặc sắc của người Chăm, được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1979. Di tích được xem là một trong những cụm tháp Chăm lớn nhất còn lại ở miền Trung, đang được bảo tồn.
Di tích Tháp Bà Ponagar là địa điểm được người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước lựa chọn đến tham quan khi tới Nha Trang. Mọi người tới đây sẽ chiêm ngưỡng kiến trúc cổ, tìm hiểu đời sống tâm linh, văn hóa của người Chăm xa xưa.
Hàng năm, ngày 20-23/3 âm lịch, nơi đây sẽ diễn ra lễ hội Tháp bà Ponagar, đây cũng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tại đây, còn có những cây cổ thụ bao bọc quanh di tích và biểu diễn nghệ thuật Chăm mỗi ngày để phục vụ du khách.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, trung bình mỗi ngày di tích Tháp bà Ponagar đón khoảng 3.000-4.000 du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Theo Xuân Ngọc (Vietnamnet)