Am Mỵ Châu là điểm dừng chân với du khách mỗi dịp ghé thăm thành Cổ Loa. Nơi đây còn gắn liền với những câu chuyện mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh của người Việt.
Bất kỳ ai ốm đau bệnh tật, chỉ cần chắp tay thành kính xin bà phù hộ rồi xoa tay vào lưng bức tượng sau đó vuốt bàn tay đã đón nhận điều linh thiêng lên cơ thể, lập tức mọi bệnh tật đều tan biến… Câu chuyện mang sắc thái huyền bí trên tưởng chừng chỉ có trong truyện cổ tích nhưng người dân ở xung quanh lại coi là chuyện rất bình thường trong đời sống tâm linh của họ.
Truyền thuyết chuyện tình Mỵ Châu
Trong hậu cung của Am Mỵ Châu – khu di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) có một bức tượng đá kỳ lạ mang dáng dấp một phụ nữ ngồi xếp bằng tròn, hai tay buông dọc, bàn tay đặt trên gối và đặc biệt là bức tượng đó không có đầu.
Người dân ở vùng Cổ Loa vẫn tin rằng, đó chính là thân xác của Công chúa Mỵ Châu sau khi bị vua cha chém đầu, đã hóa đá và trôi ngược theo dòng sông từ cửa biển về đến tận đất Kinh Thành xưa. Xung quanh đó là những câu chuyện được dân gian truyền lại hết sức huyền bí.
Tương truyền rằng sau khi thành Cổ Loa thất thủ, Vua An Dương Vương mang theo con gái trên ngựa chạy đến đèo Mộ Dạ thuộc đất Diễn Châu, Nghệ An thì gặp biển cả chắn trước mặt, phía sau là quân thù. Vua bèn cầu cứu thần Kim Quy. Rùa Vàng hiện lên và nói: “Giặc ở sau lưng nhà vua đó!”. Đức vua quay lại thấy Mỵ Châu bứt lông ngỗng trên chiếc áo dẫn lối cho giặc thì vô cùng tức giận liền rút gươm chém đầu Mỵ Châu.
Trước khi chết Mỵ Châu ngửa mặt lên trời mà xin rằng: “Nếu con là kẻ bất trung có lòng phản cha, phản nước thì khi chết thân xác con sẽ hóa thành tro bụi. Nếu tấm lòng con trong sáng khi con chết, thân xác sẽ hóa thành ngọc, thành đá trôi về hầu cha”. Mỵ Châu vô tình bị mắc mưu kế của Trọng Thủy nên hoàn toàn vô tội. Khi chết, máu của nàng chảy xuống biển. Các loài trai, sò ăn vào biến thành ngọc…
Tuy nhiên, ở Cổ Loa còn lưu truyền một truyền thuyết khác về công chúa Mỵ Châu và bức tượng đá. Một thời gian sau khi Mỵ Châu mất, tự nhiên ở khu đầm Cả xuất hiện một hòn đá lạ, có người đánh dậm, đánh cả ngày không được gì, chỉ thấy trong dậm một hòn đá, vứt xuống nước nhiều lần mà không được cuối cùng phải vớt hòn đá lên bờ. Hòn đá to lớn theo từng ngày, sau đó được dân làng đưa vào thờ cúng
Những câu chuyện dân gian qua nhiều thời kỳ lịch sử phản ánh một dấu ấn sâu đậm của Mỵ Châu trong đời sống tâm linh của nhân dân Cổ Loa với một sự linh thiêng thành kính.
Câu chuyện về Mỵ Châu là một bài học nhắc nhở chúng ta về tinh thần luôn cảnh giác cao độ trước mọi kẻ thù, đề cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy lòng yêu nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cấm cung nơi bà ngự hiện nay thường xuyên đóng cửa, người dân đến lễ chỉ có thể đứng ở bên ngoài mà vái vọng. Chỉ những ngày rằm, mùng 1 cấm cung mới mở, mọi người xếp hàng dài chờ đến lượt được chạm tay vào bức tượng để thỏa lòng tín ngưỡng.
Tham quan am công chúa Mỵ Châu
Am công chúa nằm trong khu di tích thành Cổ Loa là địa điểm du lịch Hà Nội nổi tiếng. Am gồm hai phần là thượng điện, hạ điện và một khoảng sân nhỏ. Hạ điện là một ngôi nhà ba gian và ở giữa là bàn thờ đặt tượng đá không đầu là hóa thân của công chúa Mỵ Châu được khoác áo may bằng 50 thước lụa màu, đính hạt châu sa óng ánh.
Trước đây tượng bà chúa chưa được khoác áo như bây giờ, sau này đời sống khá giả làng mới đóng góp tiền của để may áo cúng tiến. Hiện tại số lượng áo của bà đã lên đến vài chục bộ, có thể xếp đầy cả một chiếc tủ.
Hậu cung là nơi có đặt ban thờ bà chúa Mỵ Châu. Trên có đặt ngai thờ. Gian trong cùng là nơi đặt tượng đá. Đây chính là “tượng đá Mỵ Châu” đã được kể trong truyền thuyết. Có thể kể thêm rằng: nơi Mỵ Châu bị vua cha chém đầu là đèo Mộ Dạ thuộc tỉnh Nghệ An ngày nay nhưng theo câu truyện truyền thuyết thì tượng hoá đá trôi về tận chân thành Ngoại.
Tại Nghệ An hiện nay cũng có đền thờ An Dương Vương, cạnh đó là am thờ Mỵ Châu. Địa điểm đó gọi là Núi Cuông, nay đền ở trên đỉnh núi, còn được gọi là đền Cuông.
Theo Nhật Vũ (Phụ Nữ Việt Nam)