Quán bánh canh của bà Tuyết nằm gần cuối con đường Nguyễn Duy Dương, quận 10, TP.HCM đã tồn tại 45 năm. Đêm nào, quán cũng tấp nập thực khách dù mở bán vào khung giờ “chẳng giống ai”.
2h30 sáng, đường phố Sài Gòn im lìm, chỉ còn ánh đèn đường hiu hắt. Khi hầu hết mọi người vẫn chìm trong giấc ngủ thì ngôi nhà nhỏ nằm nép mình trên đoạn đường Nguyễn Duy Dương (quận 10, TP.HCM) đã bắt đầu sáng điện, chuẩn bị mở hàng. Đây là địa điểm nơi bà Ánh Tuyết (68 tuổi) bán bánh canh mỗi ngày, từ 3-5 giờ sáng trong 45 năm qua. Không có biển hiệu và mở vào giờ “chẳng giống ai”, lâu nay, thực khách hay gọi vui đây là “bánh canh ma” hay “bánh canh cô hồn”.
“Chị Tuyết ơi, 3 tô bánh canh, 5 cây sườn nha!”
Một thực khách vừa gọi món vừa nhanh tay phụ chủ quán dọn bàn ghế ra khoảng sân trước nhà, khi đồng hồ chỉ vừa điểm 2h30.
“Nói là mở hàng lúc 3h sáng chứ 2h30 là khách đã tìm tới rồi. Ai tới sớm sẽ còn nhiều đồ ăn để lựa chọn, vừa chờ món vừa sẵn tiện phụ bà Tuyết dọn bàn ghế với chén tô luôn. Bà chủ cũng lớn tuổi rồi nên khách tự phục vụ mình là chủ yếu”, một nam thực khách chia sẻ.
Bà Tuyết tận dụng khoảng sân trống trước nhà làm không gian cho khách ăn. Quán không có mái che, chỉ có 5-6 bộ bàn ghế nhựa. Đa phần khách đến đây đều đã quen với việc tự phục vụ vì biết bà chủ lớn tuổi. Họ tự tìm tô, tìm muỗng, gọi món theo sở thích, sau đó trả tiền rồi nhanh tay bưng tô bánh canh đến một vị trí nào đó để thưởng thức giữa đêm. Tuyệt nhiên, không một ai phiền toái hay than trách vì điều này.
Kê một chiếc bàn nhỏ ngay phía trước thềm nhà, bà Tuyết đặt gọn gàng lên bàn tô chén, các nguyên liệu như hành lá, hành phi, kế bên là một nồi nước lèo sóng sánh, nóng hổi được đun liên tục trên một chiếc bếp lò xô. “Mỗi ngày tôi bán 2 nồi nước lèo, mỗi nồi khoảng 80 lít nước, đâu đó hơn 100 tô là hết rồi. Thường thì cứ sau hơn 1 tiếng mở bán là hết hàng”, bà Tuyết vừa kể, vừa nhanh tay chan phần nước lèo lên tô, đơm thêm các loại thịt, da, giò heo theo ý khách.
Mỗi ngày bà Tuyết bán khoảng 20kg bánh canh, 30kg thịt, trong đó bao gồm sườn, xương ống, một ít bắp, thịt nạc, da heo và giò. Giá bán ở đây dao động từ 30.000-50.000 đồng/tô. Tuy nhiên đa phần khách thường thích gọi phần thịt riêng để ăn kèm, sườn ống và sườn cây đồng giá 20.000 đồng, giò có giá 7.000 đồng/chiếc, thịt bắp hay da thì tính giá tuỳ theo lượng mà khách gọi.
“Phần thịt được tôi lấy từ các mối lớn, đảm bảo tươi ngon và an toàn. Sau khi nhận thịt, tôi sơ chế để lọc bỏ bụi bẩn, mùi hôi, sau đó hầm. Thịt và xương hầm vào ngày hôm trước, đến khuya thì bắc nước lèo lên hầm và bắt đầu bán cho khách vào 2h30-3h. Tôi không để thịt quá mềm, hầm sao phải giữa được độ dai, giòn thì khách thích hơn”, bà Tuyết chia sẻ.
Vài năm gần đây, do tuổi già sức yếu, bà Tuyết có thêm người em gái hỗ trợ công việc. “Tôi bán bánh canh từ ngày bắt đầu sinh 2 đứa con. Hồi xưa bán vì muốn kiếm tiền nuôi tụi nhỏ ăn học. Giờ hai con thành đạt và ngoài 40 hết rồi, cũng đã có gia đình ổn định nhưng không ai nối nghiệp tôi cả. Chúng nó khuyên tôi nghỉ bán để giữ sức nhưng tôi ráng níu lại, vì bây giờ mà nghỉ thì buồn lắm”, bà Tuyết cười, chia sẻ.
Điểm cộng của tô bánh canh tại quán là phần nước chấm. Theo một số khách chia sẻ, bà Tuyết “mách” mọi người kết hợp 4 gia vị gồm mắm, ớt, tiêu, chanh. Nhiều thực khách cũng làm thử và đều bất ngờ với cách kết hợp “đơn giản nhưng hiệu quả” này, họ gọi vui đây là “nước chấm thần thánh”.
Quán “bánh canh ma” của bà Tuyết đã trở thành địa điểm quen thuộc cho nhiều đối tượng khác nhau, từ những người đi ô tô cho đến những thực khách bình dân nhất. Họ có thể là người lao động đi làm về đêm, những bạn trẻ đi làm, đi chơi khuya hay chỉ đơn giản là những thực khách bụng “kêu ọt ọt” ở thời điểm “oái oăm” như thế.
Khánh Huy (SN 1999, quận 10), tan làm ca đêm lúc 3h sáng. Trước khi về nghỉ, anh tranh thủ tạt qua quán bánh canh bà Tuyết tìm món lót bụng. “Mình ăn ở đây cũng 3 năm rồi, mỗi lần ăn là phải gọi một phần bánh canh riêng, một phần thịt và bắp riêng. Giá tổng cộng là 60.000 cho hai phần đầy ắp, no bụng. Nước lèo ở đây ngọt thanh, không quá dầu mỡ mà đặc biệt là bắp heo rất ngon. Không biết sao cô chủ tìm được phần thịt vừa gân vừa da, đêm lạnh lạnh mà gặm thịt chấm thêm miếng nước chấm nó đã kinh khủng”, Huy cười tít mắt chia sẻ.
Một thực khách tới lúc 4h sáng, gọi tô bánh canh với sườn. Bà Tuyết tiếc nuối nói: “Hết trơn rồi, sườn cây hay sườn ống gì cũng hết sạch từ hồi 3 giờ. Bây giờ chỉ còn ít thịt nạc”.
Dù hơi thất vọng vì món tủ đã hết sớm, vị khách vẫn gọi một tô bánh canh thịt để ăn. “Đoạn đường này cũng có 2-3 quán bán giờ này nhưng quán bà Tuyết đông kinh khủng. Nhiều khi bán bánh canh mà nhìn vào cứ tưởng đang đợi giật cô hồn”, vị khách vui tính vừa chia sẻ, vừa cười lớn. “Đến trễ một xíu là hết món mình thích ngay”, anh nói thêm.
Chưa đến năm 5h sáng, khách vẫn đến hỏi mua nhưng bà Tuyết chẳng còn gì để bán. Bà rục rịch dọn đồ đạc, kết thúc một buổi bán hàng khi nhiều hàng quán khác mới bắt đầu mở cửa. “Tôi ráng bán thêm ít năm nữa vì sức khoẻ cũng yếu lắm rồi. Tuổi này tôi bán không còn đặt nặng lời lãi, cố trụ lại để có nơi cho người ta ăn đêm lót bụng. Nhiều người lao động khuya mà không có gì ăn thì thấy cũng thương, cũng tội lắm”, bà Tuyết thủ thỉ.
Theo Võ Như Khánh (Vietnamnet)