Các BV điều trị COVID-19 phải sàng lọc những trường hợp F0 không có triệu chứng mỗi ngày, nếu bệnh ổn định chuyển về các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 để đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân có triệu chứng khi cần.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa có kết luận tại cuộc họp giao ban với các bệnh viện dã chiến, điều trị COVID-19.
Theo đó, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, để kịp thời điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng, Sở Y tế yêu cầu các BV điều trị COVID-19 phải sàng lọc những trường hợp F0 không có triệu chứng, nếu bệnh ổn định cần chuyển về các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân có triệu chứng khi cần.
Một bệnh nhân COVID-19 nặng được điều trị tại BV Hồi sức COVID-19
Đối với BV dã chiến thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19 phải chủ động rà soát các trường hợp F0 không triệu chứng, thực hiện xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 8. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính hoặc dương tính với giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 30, thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 10, cho phép người bệnh xuất viện và cách ly theo dõi tại nhà theo hướng dẫn của Sở Y tế nếu kết quả test nhanh ngày 10 âm tính.
Bên cạnh đó, các bệnh viện này còn phải chuẩn bị thực hiện chiến lược điều trị trong tình hình mới như: nâng cấp các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19, trang bị oxy lỏng, điều trị thuốc cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, tham gia tập huấn sử dụng thuốc chống đông, máy thở không xâm lấn.
Hiện tại, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đang triển khai thành lập khu cách ly tập trung F0 không có triệu chứng để giảm tải cho các bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị COVID-19.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã lập tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh COVID-19 cấp cứu.Tổ công tác này gồm 15 thành viên, giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 làm tổ trưởng, với sự hỗ trợ của lãnh đạo thanh tra Sở Y tế và lãnh đạo Phòng nghiệp vụ y.
Một trong những nhiệm vụ chính của tổ công tác là kịp thời nắm bắt nhu cầu chuyển người bệnh của các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 và các bệnh viện điều trị COVID-19, làm cầu nối giữa các bệnh viện cần chuyển và các bệnh viện tiếp nhận người bệnh.
Bộ Y tế: Không thiếu máy thở, khí oxy, người dân đừng tích trữ
Khả năng cung ứng oxy từ các đơn vị sản xuất trong nước cao gấp 30 lần so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ oxy.
Bộ Y tế khẳng định không thiếu máy thở, khí oxy cho người bệnh, do đó người dân hoàn toàn có thể an tâm – Ảnh: QUÂN CHÍNH
Trả lời báo chí xoay quanh vấn đề có nhiều người dân tìm mua các thiết bị thở máy, thiết bị tạo oxy, tích trữ các bình khí oxy trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 TP.HCM và toàn khu vực phía Nam tăng cao, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) – khẳng định Bộ Y tế và TP.HCM cam kết không thiếu máy thở, khí oxy cho người bệnh, do đó người dân hoàn toàn có thể an tâm.
Cụ thể về vấn đề nguồn cung khí oxy, theo ông Khoa Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát và đ.ánh giá năng lực sản xuất oxy trong nước. Qua đó kết quả cho thấy khả năng cung ứng oxy từ các đơn vị sản xuất trong nước cao gấp 30 lần so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện. Nên nguồn cung cấp khí oxy cho cả nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng đều không thiếu.
“Người dân không nên mua, tích trữ các bình khí oxy tại nhà, bởi không thể sử dụng được còn tiềm ẩn mối nguy cháy nổ rất lớn” – ông Khoa khuyến cáo.
Liên quan đến việc nhiều người dân mua máy thở sẵn sàng tự dùng tại nhà, ông Khoa cho rằng với bệnh nhân mắc COVID-19 xuất hiện tình trạng suy hô hấp, khó thở việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp là điều cần thiết. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân COVID-19 đều cần đến thở máy.
Theo dữ liệu được ghi nhận trong đợt dịch lần này có khoảng 80% các bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ, chỉ có khoảng 5% số ca cần thở oxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% số ca thở máy xâm nhập.
Việc thiết lập, vận hành và đưa vào sử dụng hệ thống máy thở có yêu cầu cao hơn, cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén); cần có bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo chuyên môn bài bản vận hành. Đồng thời quá trình sử dụng máy thở cũng cần được kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để có những chỉ định và xử lý kịp thời.
Khẳng định trong điều kiện gia đình không thể thiết lập các hệ thống máy thở, ông Khoa cho biết Bộ Y tế và TP.HCM cam kết không thiếu máy thở cho người bệnh, người dân hoàn toàn có thể yên tâm.
“Người dân không nên mua tích trữ máy thở vừa gây lãng phí, vừa tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện có thể không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch bệnh có những diễn biến khó lường” – ông Khoa nói.