An Giang là địa điểm nhiều người chọn để viếng chùa nhưng bên cạnh đó cũng không thiếu những món ăn hấp dẫn và các điểm check-in thú vị.
Nằm cách thành phố Cần Thơ 115 Km, Thành phố Châu Đốc – An Giang nổi tiếng với Miếu Bà Chúa Xứ – Núi Sam và được đông đảo người dân miền Tây đổ xô về cúng viếng mỗi năm. Thế nhưng với việc du lịch ngày càng phát triển, những địa điểm lân cận dần xuất hiện nhiều địa điểm hấp dẫn với các món ăn đặc sản mà du khách không thể bỏ qua.
Chùa Lầu – Nhật Bản giữa lòng An Giang
Chùa Lầu còn có tên gọi khác là chùa Phước Lâm, tọa lạc tại khóm Xuân Phú, Thị trấn Tịnh Biên, Huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Chẳng biết ngẫu nhiên hay cố ý mà được khách viếng thăm yêu quý đặt cho danh xưng “Tiểu Nhật Bản” của An Giang. Xem xét qua nhiều góc và các chi tiết, kiến trúc của chùa, danh xưng này quả thật hợp lí. Thoạt nhìn, chùa lầu ấn tượng với tone màu gạch đỏ đậm làm chủ đạo, khác biệt so với nhiều ngôi chùa truyền thống Việt Nam nói chung.
Chùa Bánh Xèo
Còn được biết đến với tên gọi là Thiền viện Đông Lai hay Chùa Phật Nằm. Ngôi cổ tự này tọa lạc tại địa phận khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang và nằm trong khu vực Bảy Núi hay còn được gọi là dãy Thất Sơn. Có thể nói Chùa Bánh Xèo (Thiền viện Đông Lai) là một điểm dừng chân quen thuộc của các tín đồ đam mê du lịch mỗi khi đặt chân đến An Giang. Bởi vì nơi đây vừa là chốn linh thiêng, tôn kính vừa sở hữu không gian yên bình cùng truyền thống làm bánh xèo đãi khách phương xa vô cùng đặc biệt.
Chùa Vạn Linh
Là một ngôi chùa theo Hệ phái Phật Giáo Bắc Tông, thuộc khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm (tỉnh Anh Giang). Từ lâu, nơi đây không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là địa danh du lịch được nhiều người biết tới khi đặt chân lên vùng đất An Giang.
Chùa Vạn Linh ban đầu có tên là chùa Lá với không gian đơn sơ, mái tranh, vách đất xây dựng năm 1927. Sau khi được trùng tu và xây dựng lại, chùa gây ấn tượng với kiến trúc nguy nga, nhiều tầng và nhiều tòa tháp bao quanh.
Đu đủ đâm xiên bò nướng Tri Tôn
Đu đủ đâm là món gỏi đu đủ của người Campuchia, thế nhưng người dân biên giới ở huyện Tri Tôn, An Giang đã học hỏi món ăn dân dã này và biến thành đặc sản “vạn người mê”.
Nằm cách thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn, An Giang) gần 2km, sóc Phnom Pi thuộc xã Châu Lăng được mệnh danh là con đường đu đủ đâm của miền Tây vì nơi đây tập trung hơn 10 quán đu đủ đâm từ đầu đường đã ngửi được hương thơm thức ăn lan tỏa. Trong đó quán đu đủ đâm Rina được đánh giá là quán ngon và đắt khách nhất “con đường đu đủ đâm”.
Uống thốt nốt ướp lạnh
Vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang có rất nhiều món đặc sản nhưng món giải khát dân dã thốt nốt lạnh sẽ khiến du khách khó quên. Món thốt nốt lạnh gồm nước thốt nốt và cơm của trái thốt nốt. Nước thốt nốt được lấy từ những vòi hoa của cây thốt nốt- một loại cây mọc rất nhiều ở vùng đất này.
Nước thốt nốt ngọt dịu, thơm đặc trưng cùng với cơm của trái thốt nốt khiến du khách quên hết mệt nhọc đường xa. Có dịp đến vùng Bảy Núi, trong những ngày nắng nóng, du khách sẽ thấy những thanh niên dân tộc Khmer gánh nhiều ống tre sậm màu. Hãy gọi họ lại, bạn sẽ được thưởng thức vị ngon tuyệt của thứ nước đục đục ngọt thanh, thơm mát.
TN (SHTT)