Cắn miếng thịt rắn ngập răng, anh Phan Hồng Sơn tấm tắc nhận xét: “Nếu vượt qua nỗi sợ thì ăn rất ngon”.
Bài đăng khoe cách chế biến món lẩu rắn của anh Phan Hồng Sơn (SN 1982, quê Nghệ An) trên diễn đàn dành cho hội bếp núc, thu hút hơn 3.400 lượt like cùng hàng nghìn bình luận.
Theo anh Sơn, quy trình chế biến khó nhất là công đoạn làm thịt rắn. Loại rắn mà ông bố 8X chọn nấu là rắn hổ trâu, không độc, được một người anh em tặng làm “mồi nhậu”.
“Rắn đã được làm thịt, rửa sạch và cấp đông trước. Mình mang về chỉ để rã đông tự nhiên, rửa dấm, rửa rượu cho sạch và đỡ tanh. Sau đó chặt khúc ướp với nước mắm, dầu hào, bột canh, hành khô và sả băm nhỏ, tiêu xay, ít sa tế, ớt tươi, gừng đập dập, nghệ tươi để lấy màu.
Ướp 30 phút, đợi nóng chảo cho mỡ, hành khô và sả băm nhỏ phi thơm. Cuối cùng cho rắn vào để đảo săn, thêm sả, nước dừa tươi đun sôi 5 phút”, anh Sơn thuật lại.
Om cùng nồi lẩu rắn là thịt gà được nấu xáo thơm lừng. Gà được chọn là giống gà mái mới đẻ 1-2 lứa, còn trứng hạt mây, được chặt nhỏ, ướp gia vị. Khi ăn lẩu, anh Sơn múc rắn đã nấu và xáo gà theo tỷ lệ 1:1.
“Lẩu rắn nấu cùng gà mái, nấu với nước dừa, vị rắn ngọt, thơm mùi sả, béo vị mỡ gà. Và cảm giác cắn miếng thịt rắn ngập răng. Nếu vượt qua nỗi sợ, thì ăn rất ngon”, ông bố 8X tấm tắc.
Anh Sơn kể, lần đầu tiên anh được ăn các món về rắn khi về thăm làng Lệ Mật – Gia Lâm. Làng Lệ Mật nổi tiếng với nghề nuôi rắn và chế biến đặc sản thịt rắn.
“Mình chỉ ăn các món chả rắn, xương rắn xúc bánh đa, lòng rắn xào và cháo rắn. Còn lẩu rắn thì chưa ăn ở đâu cả. Nên lần này chế biến món lẩu rắn chỉ dựa theo kinh nghiệm và đam mê thôi.
Mình muốn giữ nguyên hương vị của thịt rắn, không chế biến cầu kỳ để cảm nhận trọn vẹn khi cắn ngập miếng thịt”, ông bố 8X bày tỏ.
Nhìn rắn được chặt thành từng khúc, để nguyên bộ da bên ngoài đem lên nấu cùng thịt gà, dân mạng không khỏi “rùng mình”. Dưới bài viết là hàng nghìn ý kiến trái chiều về cách nấu độc, lạ của ông bố Nghệ An. Song bên cạnh đó cũng có nhiều cư dân mạng bày tỏ rằng, việc ăn uống mỗi người mỗi vị, hơn nữa quan điểm về ẩm thực mỗi vùng miền cũng khác nhau.
“Nghe nói dưới da rắn nhiều ký sinh trùng và sán lắm, nên bỏ da đi chứ nhìn sợ quá sao ăn nổi”, P.L bình luận.
“Mình trông thấy rắn đã tim đập chân run rồi. Nhìn nồi lẩu mà hú vía, ông bố này dũng cảm thật”, K.T viết.
“Mình quê ở miền Tây nên việc ăn rắn là bình thường, lại còn bổ dưỡng. Hồi nhỏ cha hay nấu cháo rắn đậu xanh rất mát và ngọt. Các anh chị cứ rùng mình, chứ mà ăn thử 1 miếng thì lại muốn ăn cả nồi”, tài khoản L.T cho hay.
Lý giải về việc để nguyên da rắn khi nấu, anh Sơn nói thêm: “Rắn chặt khúc để cả da nên mọi người cảm giác sợ. Thực ra lúc làm thịt thì bộ da sừng của rắn đã bị cạo đi khi dội nước sôi vào. Phần da để nguyên là phần da bên trong. Ở nhà hàng họ lột da rắn ra và làm món da rắn tẩm bột chiên giòn, thịt thì sẽ tách ra để làm nhiều món khác nên nhìn sẽ đỡ hơn, không có cảm giác về hình ảnh khi ăn…
Hơn nữa món rắn được tẩm ướp xào lửa ga công nghiệp to và được đun sôi thì sẽ không lo về khí sinh trùng. Cứ ăn chín uống sôi thì sẽ an toàn vệ sinh”.
Theo Thủy Tiên (Phụ Nữ Số)