Xe xôi nằm nép mình trên đoạn đường Trần Phú (Quận 5, TP.HCM) là địa điểm quen thuộc của nhiều thế hệ thực khách. Nơi đây thường được biết tới với tên gọi rợn người – “xôi nhà xác”.
Trần Phú là con đường hiếm hoi tại TP.HCM có đến 2 nhà tang lễ. Các hộ dân ở đây chủ yếu kinh doanh vàng mã, dịch vụ tang lễ. Thế nhưng, có một xe xôi lâu đời đã tồn tại trên chính đoạn đường này, thu hút rất đông thực khách, nhất là ban đêm. Chủ quán và nhân viên làm việc không ngơi tay, người xới phần xôi đang nghi ngút khói, người trải xôi đều lên lá chuối, thoăn thoắt rắc các gia vị rồi gói lại.
Chủ nhân của xe xôi này là anh Lưu Bảo Minh (49 tuổi, TP.HCM). Anh Minh nối nghiệp mẹ, giữ truyền thống bán xôi hơn 40 năm của gia đình.
“Khách thấy nhà tôi bán hàng ở đoạn đường có nhiều nhà tang lễ nên cứ thuận miệng gọi là “xôi nhà xác”. Miết rồi tôi cũng quen chứ biết làm thế nào. Nhưng chắc cũng là cái duyên, nhờ vậy mà nhiều người thấy lạ, tò mò tìm đến ăn thử rồi thành khách quen”, anh Minh chia sẻ.
Theo anh Minh, tên của quán vốn là “Xôi mặn 409”, thế nhưng bao năm qua, khách lại đặt toàn tên độc lạ, rợn người như “xôi âm phủ”, “xôi tang lễ” hay phổ biến nhất là “xôi nhà xác”.
Xe xôi của anh Minh chỉ bán duy nhất một loại là xôi mặn. “Mẹ tôi bán xôi từ những năm 1970-1980, sau này mẹ truyền lại cho tôi. Tôi về đoạn đường này ở và buôn bán. Tôi cũng đâu có ngờ, sau này đoạn đường chỉ toàn kinh doanh các dịch vụ về tang lễ, hiếm người bán đồ ăn, nhất là ban đêm”, anh Minh chia sẻ.
Món xôi mặn được ăn kèm với các nguyên liệu như: Đậu phộng giã nhuyễn, mỡ hành, hành phi, chà bông, lạp xưởng và đặc biệt là phần “nước tương thần thánh”. Xe xôi mở bán từ 3 giờ chiều đến đêm khuya, nhưng theo anh Minh, đông nhất là từ khoảng 19-20 giờ trở đi.
“Vì bán lâu năm rồi nên tôi chẳng tính mỗi ngày bán bao nhiêu kí gạo, chỉ biết đâu đó khoảng 3-4 nồi, khi xôi trong nồi vơi dần thì lại đơm thêm để bán. Bán đến khuya thì cũng hết sạch. Hôm nào mưa bão quá thì tôi chủ động nấu ít xôi hơn vì bán chậm”, anh Minh cho hay.
Anh Minh cho biết, trước đây không có điều kiện nên mẹ anh phải nấu nếp bằng than và dùng lá chuối để gói xôi bán cho khách. Anh thấy lá chuối vừa mộc mạc vừa không sinh ra chất gây hại sức khoẻ khi gói với xôi nóng nên sử dụng tới tận bây giờ.
Phần lá chuối anh mua từ người quen ở miền Tây. Lá chuối được lau sạch bóng và chia nhỏ thành từng miếng vừa phải. Theo lời anh Minh, lá chuối héo sẽ không đẹp mắt, nhưng nếu quá tươi thì dễ rách khi gói xôi nóng.
“Mỗi ngày mình cùng 2-3 người cháu trong nhà phải thức dậy từ sớm để chuẩn bị các nguyên liệu, lau và chia nhỏ lá chuối. Phần nếp được mình nhập về từ mối quen mấy chục năm. Nếp sạch, hạt đều nên khi nấu lên rất dẻo và thơm. Còn các món như mỡ hành, hành phi, đậu phộng rang hay chà bông đều được làm thủ công. Làm ngày nào sẽ bán hết trong ngày đó.
Đậu phộng sau khi chọn mua những hạt đậu to, chất lượng, mình sẽ mang về rang lên rồi giã cho thật nhuyễn. Hành lá và hành phi thì được trộn đều với nhau, bán đến đâu thì mình pha mỡ hành đến đó, tuyệt đối không pha trước để tránh mất mùi vị thơm ngon và đặc trưng của nó”, anh Minh chia sẻ bí quyết.
Phần lạp xưởng được anh Minh nhập từ mối quen lâu năm ở Sóc Trăng. Theo anh Minh, lạp xưởng ở đây có truyền thống lâu đời nên thơm ngon, vừa miệng hầu hết thực khách. Những chiếc lạp xưởng sẽ được cắt thành khoanh tròn, mỏng, vừa ăn. Chà bông làm từ thịt lợn, xe khá nhuyễn, vị mặn vừa và không ngọt như một số loại chà bông công nghiệp, giá thành thấp thường được bán trong các gánh hàng rong.
Sau khi rải các gia vị lên phần xôi, chủ quán chan phần nước tương vừa đủ để nó ngấm dần vào các nguyên liệu, đậm đà nhưng không quá mặn.
“Nhiều người thấy vị nước tương ngon nên nghĩ tôi có công thức pha riêng. Nhưng thật ra tôi chẳng có công thức gì cả, với kinh nghiệm lâu năm thì tôi chọn được loại nước tương chất lượng, vừa khẩu vị nên cứ thế mà bán suốt mấy chục năm nay”, anh Minh thật thà cho biết.
22h đêm, nồi xôi vẫn được đun trong lửa liu riu, khói bốc lên nghi ngút, khách xếp hàng dày đặc trước cửa hàng. Gần phân nửa khách hàng là những người Hoa sống tại quận 5, họ đến mua xôi và chủ quán giao tiếp với họ cũng bằng tiếng Hoa.
“Lúc đầu mình tìm tới ăn thử vì nghe cái tên “xôi nhà xác” thấy tò mò. Hồi ấy, đứng đợi lấy xôi mà cũng hơi rợn người vì quán đối diện là nhà tang lễ, tiếng kèn trống vang lên rất lạnh lẽo. Nhưng mua lâu dần thì cũng quen nên chẳng còn sợ hãi gì cả”, chị Hoa, một người gốc Hoa đến mua xôi chia sẻ.
Theo chia sẻ của thực khách, món xôi mặn của anh Minh được lòng nhiều người vì cách gói xôi trong lá chuối, vừa rất đỗi dân dã, bình dị vừa an toàn. Chủ quán gói xôi thành cuộn dài như bánh tét. Khách ăn tới đâu thì xé lá chuối tới đó, không sử dụng muỗng nhựa. Lý giải về cách ăn này, chủ quán cho biết, anh sợ muỗng nhựa khi tiếp xúc xôi nóng sẽ không tốt cho sức khỏe.
Các nguyên liệu ăn kèm xôi được chủ quán làm chỉn chu, vừa miệng. Nồi xôi được bắc trên bếp gas đặt trong xe, luôn nghi ngút khói. Nếp nấu xôi khá dẻo, thơm và béo nhưng không phải quá ngon so với nhiều quán xôi khác tại Sài Gòn.
“Buổi đêm tan làm, mình hay ghé đây mua xôi. Thỉnh thoảng xôi hơi khô và chan ít nước tương nên bị nhạt nhưng nhìn chung hợp khẩu vị, đồ ăn kèm ngon, giá bình dân, dao động 20.000-30.000 đồng”, một bạn trẻ chia sẻ cảm nhận về món “xôi nhà xác”.
Theo Võ Như Khánh (Vietnamnet)