Rất nhiều du khách nước ngoài trẻ tuổi đang đổ xô đến Hàn Quốc để tìm kiếm các nhà phân tích màu sắc cá nhân.
Angie Xue (sống tại California, Mỹ) luôn muốn tới Nhật Bản và Hàn Quốc du lịch. Khi giá vé máy bay khứ hồi đến Seoul (Hàn Quốc) giảm còn 600 USD (14,2 triệu đồng), cô đã đặt vé ngay lập tức.
Nhưng Xue không đến xứ sở kim chi để thăm các địa điểm đẹp hay thưởng thức món ăn ngon mà điểm đến đầu tiên của cô là gặp chuyên gia phân tích màu sắc cá nhân ở Seoul – một dịch vụ đang rất nổi tiếng trên mạng xã hội.
Phân tích màu sắc cá nhân là hoạt động nhằm tìm ra bảng màu “nịnh mắt” nhất cho từng cá nhân, giúp họ chọn quần áo, trang điểm, gợi ý các phụ kiện dựa trên màu da và tông da. Quá trình này có thể mất đến 60 phút, khi các chuyên gia tư vấn màu sắc khoác hàng trăm mẫu vải lên vai khách hàng, nhằm phát hiện màu sắc nào khiến khuôn mặt họ sáng lên thay vì làm nổi bật quầng thâm hoặc nếp nhăn.
Trong nhiều thập kỷ, hình thức này đã được các chính trị gia, giám đốc điều hành và giới thượng lưu trong xã hội sử dụng như một cách để phát huy hết tiềm năng của bản thân. Giờ đây, sau cơn sốt TikTok, nhiều người trẻ Mỹ quyết định bay đến Seoul với mục đích là trải nghiệm dịch vụ này.
Tại Mỹ, một buổi phân tích kéo dài ba giờ tại một địa điểm như House of Color ở Brooklyn, New York, có thể lên tới 545 USD (khoảng 13 triệu đồng). Trong khi mức giá này ở Hàn Quốc chỉ dao động từ 80 USD đến 160 USD (khoảng 2-4 triệu đồng), chưa kể khách hàng được tư vấn miễn phí về mẹo trang điểm cho đến các loại trang sức nên mua.
Trong hành trình tìm kiếm của mình, Xue đã gọi hơn 30 địa điểm mới đặt được lịch hẹn cho mình và bạn trai nhờ có một vị khách hủy lịch do việc đột xuất. Tuy nhiên, chuyên gia tư vấn không nói được tiếng Anh, buộc cô phải chi thêm 50 USD (khoảng 1,2 triệu) mỗi giờ cho phiên dịch.
Cơn sốt màu sắc cá nhân từng bùng nổ tại Hàn Quốc trước Covid-19, nhưng giờ đây chúng đang được hồi sinh nhờ các chuyến bay quốc tế.
Sohee (Emily) Baek, một nhà tạo mẫu tóc cá nhân tại Color Society ở Hongdae, Seoul, cho biết: “Trong thời kỳ Covid, rất nhiều người nước ngoài đã xem phim truyền hình Hàn Quốc. “Vì màu sắc cá nhân thường được nói đến trong các chương trình nên nó đã trở thành mối quan tâm lớn đối với người nước ngoài”, Baek nói.
Phân tích màu sắc dần trở thành hiện tượng văn hóa đại chúng. Tìm kiếm từ khóa về “Personal Color Analysis Korea” cho thấy chủ đề này có đến 375 triệu lượt xem trên TikTok. Như một video phân tích màu sắc cá nhân của nữ ca sĩ thần tượng Jisoo của nhóm BlackPink thu hút 2,6 triệu lượt xem trên YouTube. Thậm chí, chính trị gia Hàn Quốc Lee Jae-myung, lãnh đạo Đảng Dân chủ, cũng gây chú ý khi nhận phân tích về màu sắc cá nhân.
Điều này đã thúc đẩy sự bùng nổ du lịch đến mức Tổ chức Du lịch Hàn Quốc đã sử dụng chúng để kích cầu du lịch. Theo đó, đơn vị đã tạo ra một studio phân tích màu sắc ở Tổ hợp Trung tâm Rockefeller của New York, trong chuỗi sự kiện hè Celebrate Korea.
Baek cho biết phần lớn khách hàng của cô đến từ nước ngoài sau khi tìm thấy dịch vụ của cô qua truyền miệng hoặc mạng xã hội.
“Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó phần lớn đến từ các thành phố như Los Angeles hoặc New York ở Mỹ, nhưng cũng có những nơi như Trung Đông và Trung Mỹ”, cô nói.
Nhu cầu tăng đột biến khiến Baek và các đồng nghiệp của cô phải làm thêm giờ. Công ty tư vấn Color Society của cô đã ghi nhận số lượng cuộc hẹn kỷ lục vào tháng 6, với 470 khách hàng. Trong khi giai đoạn trước chỉ ghi nhận tối đa 300 yêu cầu.
Baek đang căng mình làm việc gần 12 tiếng mỗi ngày. Các cuộc hẹn phải đặt trước 2 tháng, mở lịch đăng ký từ ngày 26 hàng tháng, nhưng nhanh chóng kín chỗ ngay lập tức. “Tôi thấy mình không thể từ chối những khách hàng này, bởi họ đều đến từ những nơi xa xôi”, nhà phân tích nói.
Đối với Daniela Miculkova, 30 tuổi, phân tích màu sắc nổi bật như một trải nghiệm văn hóa độc đáo, đồng thời cũng là một hoạt động xa xỉ dễ tiếp cận. Nữ công dân Cộng hòa Séc nói: “Bạn sẽ không thể tìm thấy hoạt động tương tự ở đất nước tôi.
Đối với người Hàn Quốc, sự bùng nổ du lịch mang lại một lợi ích bổ sung là kích cầu bán lẻ. Những khách hàng như Miculkova thường bước ra ngoài với các mẫu màu trên tay và các khuyến nghị mua các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da cụ thể, cùng với mong muốn đại tu tủ quần áo của họ.
Làn sóng này cũng có thể tạo ra việc làm. Khi nhu cầu tăng đột biến, càng cần nhiều phiên dịch viên. Ngoài ra, các hội thảo tư vấn về màu sắc có sẵn tại các hội chợ việc làm ở Hàn Quốc và các công ty như Viện Tâm lý Thời trang Hàn Quốc đang cung cấp các chương trình chứng nhận tư vấn về màu sắc. Họ cũng cung cấp các hội thảo về màu sắc cho khách hàng VIP tại các nhà bán lẻ cao cấp như Valentino, Miu Miu và Dior.
“Phân tích màu sắc cá nhân đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa ở Hàn Quốc”, Baek nói. “Nếu bạn không biết màu sắc cá nhân của mình là gì, thì thật khó để mua đồ trang điểm và quần áo phù hợp – và cũng như trò chuyện với thế hệ trẻ”.
Theo Đỗ An (Vietnamnet)