Món đặc sản dân dã, quen thuộc của vùng đất An Giang nhưng ngon đến nỗi được ghi “tên tuổi” vào kho tàng ẩm thực phong phú của Châu Á.
Ở An Giang, cơm tấm là món ăn phổ biến, nên những quán cơm tấm cũng mọc lên dọc theo khu dân cư, con đường từ thành thị tới quê nghèo. Mỗi người có cách chế biến riêng, chỉ gặp nhau ở điểm chung: Phải có cơm, thịt heo và trứng.
Nhiều du khách ngạc nhiên khi nghe nói đi ăn đặc sản lại được dẫn đến một quán cơm tấm bình dân bên đường. Cơm được nấu bằng hạt tấm nhuyễn. Cơm tấm nhuyễn là món ăn nổi tiếng của người dân Long Xuyên. Hạt tấm khi nấu chín thành cơm cũng chỉ to hơn đầu tăm một chút. Người dân địa phương còn gọi là tấm mẳn hay tấm nhang.
Hạt tấm nhuyễn không bán ở chợ, phải đặt từ các nhà máy xay xát. Tấm vốn là phụ phẩm nên phải tốn nhiều công làm vệ sinh để được chất lượng như ý. Do vậy hiện nay, người ta dùng gạo trắng “chặt” ra thành tấm nhuyễn. Khó nhất chính là khâu nấu cơm. Không thể nấu theo cách thông thường mà phải hấp cách thủy, liên tục canh chừng để thêm nước thế nào cho vừa đủ để cơm chín đều và không bị nhão.
Giữa bao nhiêu cách chế biến cơm tấm đa dạng, cơm tấm Long Xuyên vẫn có nét đặc sắc riêng, không thể trộn lẫn. Gạo tấm mẳn, có vẻ rời rạc chứ không dẻo dính như xôi, như cơm dẻo thông thường.
Cơm tấm kết hợp với nước mắm thắng kẹo, sườn ướp vừa đậm đà, vừa thơm phức, các kiểu trứng chế biến (chả trứng, trứng kho, trứng ốp la), thêm miếng bì dai dai, dưa chua giòn giòn… thì lúc đó mới hiểu được giá trị của hạt cơm bời rời, nhỏ xíu. Chúng hòa quyện theo đúng kiểu “sinh ra để dành cho nhau”.
Nhiều quán cơm nổi danh nhờ hương vị độc đáo, nơi khác bắt chước khéo cách mấy vẫn thua xa. Tìm đến TP. Long Xuyên, người ta chọn cơm tấm Cây Điệp, cơm tấm Tùng, cơm tấm Ống khói (Tám Diệu), quán cơm Hướng Dương… bởi mức độ “phủ sóng” trên mạng xã hội của các địa điểm này, cộng với quá trình kinh doanh hàng chục năm khắc sâu vào tâm trí người sành ăn.
Phần đồ ăn đi kèm của cơm tấm Long Xuyên cũng có nhiều khác biệt. Có nơi, không phải miếng sườn to đẫy đà hay miếng chả thơm béo, mà lại nổi bật với thịt được thái mỏng cùng bì, trứng kho được cắt nhỏ để trên đĩa. Cuối cùng, đĩa cơm sẽ hoàn thiện hơn với mỡ hành, dưa chua ăn kèm cùng nước mắm.
Vì mọi thứ đã được cắt nhỏ nên có quán chỉ phục vụ muỗng mà không có nĩa hay đũa. Khách chỉ cần chan nước nắm lên cơm, trộn đều lại rồi thưởng thức. Mọi thứ hòa quyện vào nhau một cách tự nhiên.
Tại chương trình hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 52, chủ đề “Đủ nắng – hoa sẽ nở, đủ tầm nhìn – thấy cơ hội”, được tổ chức vào ngày 20/5 ở TP. HCM, Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã trao bằng xác lập kỷ lục Châu Á về giá trị ẩm thực giai đoạn 2022-2023 cho món ăn của An Giang là cơm tấm Long Xuyên.
Theo Kỳ Phong (Tạp chí Du lịch TP.HCM)