Nằm ngay ở cửa biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), đền Độc Cước nổi tiếng là ngôi cổ linh thiêng. Nơi đây thờ pho tượng chỉ một tay, một chân đầy bí ẩn.
Ngôi đền ngự trên hòn Cổ Giải (còn gọi là cổ con rùa biển), thuộc dãy núi Trường Lệ, tuy không bề thế nhưng luôn thu hút đông đảo người dân, du khách tới tham quan, chiêm bái suốt bốn mùa.
Chuyện vị thần xẻ đôi người bảo vệ dân làng biển
Ghé thăm đền Độc Cước, không ít du khách bày tỏ hiếu kỳ về pho tượng chỉ có một tay, một chân được thờ tự bên trong ngôi đền. Pho tượng kỳ lạ này được đặt ở vị trí trang trọng của trung đường, sát với hậu cung. Bức tượng cao tầm 30-40 cm, mang hình dáng bán thân bổ dọc. Ngài mặc áo võ tướng, thần thái toát lên vẻ uy dũng ngút trời.
Theo như tấm bảng giới thiệu, ngôi đền thờ vị thần có tên là “Độc Cước chân nhân”, hay “Tiêu Sơn Độc Cước”. Đây cũng là vị thần gắn liền với giai thoại tự xe đôi thân mình đánh đuổi đám quỷ dữ, bảo vệ người dân làng biển xưa kia.
Truyền thuyết dân gian kể rằng, vùng đất Sầm Sơn xưa kia vốn dĩ yên bình, người dân làng biển siêng năng đi biển kiếm cá, tôm. Một ngày nọ, bỗng đâu trên biển xuất hiện đám quỷ dữ, chúng vào bờ cướp phá, đánh giết dân làng.
Khi ấy, cậu bé Độc Cước lớn nhanh như thổi, thành một chàng trai cao lớn, sức khỏe phi thường đã dũng cảm xông pha đánh đuổi đám quỷ. Tuy nhiên, khi Độc Cước vào bờ chẳng bao lâu, đám quỷ lại quấy phá ngư dân trên biển khiến ai nấy nhiều phen kinh hãi.
Trước tình thế ấy, chàng trai Độc Cước đã tự xé thân mình làm đôi để bảo vệ dân làng. Một nửa thân của chàng theo dân chài vươn khơi đánh cá, nửa người còn lại lưu lại trên hòn Cổ Giải để chống loài quỷ biển. Bàn chân của chàng đã in sâu vào núi đá Cổ Giải truyền lại đến muôn đời.
Tin rằng đó là vị thần xuống giúp dân giải trừ tai ương, người dân làng biển Sầm Sơn lúc bấy giờ đã lập đền thờ ngay tại nơi có vết chân vị thần để lại, đặt tên đền là Độc Cước. Đồng thời suy tôn ngài là vị thần bảo hộ cho người dân làng biển xứ Thanh.
Kể từ đó đến nay, đền Độc Cước trở thành ngôi đền thiêng nơi cửa biển. Hàng năm, cứ đến dịp 16/2 Âm lịch, người dân làng biển xứ Thanh lại tổ chức lễ hội Cầu Phúc, mong cho đất nước được thanh bình, người dân làng biển được mùa vụ bội thu, cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Ngoài dịp lễ này, tại đền Độc Cước còn diễn ra lễ hội Bánh chưng – Bánh giầy vào 12/5 Âm lịch hàng năm. Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách về tham dự.
Ngôi đền cổ lưu giữ nhiều đạo sắc phong
Ông Văn Đình Ga – thủ từ đền Độc Cước cho biết, ngôi đền đang lưu giữ 8 đạo sắc phong do triều đình phong kiến các thời kỳ ban tặng. Các đạo sắc phong được giữ gìn, trông coi cẩn thận và chỉ được mở ra khi có sự kiện trọng đại.
Trong số 8 đạo sắc phong, sắc phong Cảnh Hưng năm thứ 44, ngày 26/7 có ghi: “Độc Cước là vị thánh linh thiêng vào bậc nhất trong hàng Thánh mà không vị nào bằng. Ngài đem sự tài giỏi, linh thiêng ấy để gìn giữ bờ cõi cho đất nước, bảo vệ dân làng và muôn vật. Đối với kẻ ác thì trừng trị thẳng tay, thật là một vị thánh đầy đủ nhân hậu”.
Không chỉ lưu giữ nhiều đạo sắc phong, đền Độc Cước còn có kiến trúc rất độc đáo. Để lên tới đền chính, du khách phải đi qua 40 bậc thềm bằng đá. Khu đền chính được xây dựng theo kiểu chữ đinh, gồm: Tiền đường, trung đường và hậu cung.
Phía tay phải đền chính là tháp Nghinh Phong (còn gọi là tòa Phương đình), tương truyền đã được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Tháp Nghinh Phong có kết cấu 2 tầng 8 mái, mang đậm kiến trúc thời Nguyễn, nhìn từ xa giống như một tòa sen đang dần mở cánh bên bờ biển xanh bao la.
Phía tay trái là phủ Mẫu, nơi thờ “Tam tòa Thánh Mẫu”, được phục dựng từ năm 1992. Bên cạnh phủ thờ Mẫu là cây bàng cổ thụ rợp bóng mát, theo người dân nơi đây đã có tuổi đời cả trăm năm.
“Ngoài dịp lễ, Tết, mỗi ngày đền Độc Cước đều có rất đông người dân và du khách về dâng hương và tham quan, đặc biệt là vào dịp hè. Vì vậy, ngôi đền ngày nào cũng mở cửa phục vụ người dân và du khách”, ông Văn Đình Ga chia sẻ.
Được biết, đền Độc Cước được xây dựng từ thời nhà Trần, trải qua nhiều lần tu bổ vào thời Hậu Lê và Nguyễn. Năm 2006, ngôi đền được trùng tu lại trên nền móng cũ và được lưu giữ cho đến ngày nay.
Năm 1962, đền Độc Cước được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, cùng với hòn Trống Mái, đền Tô Hiến Thành và đền Cô Tiên (TP Sầm Sơn).
Theo Nhật Minh (Phụ Nữ Việt Nam)