Không chỉ được biết đến là mảnh đất “Thành đồng đất thép” với địa đạo cùng tên nổi tiếng, Củ Chi còn hút khách bởi có nhiều đặc sản thơm ngon như bò tơ Củ Chi, mít non trộn thịt, gỏi măng tươi, củ mì hấp nước dừa,…
Nhắc đến đặc sản Củ Chi không thể không kể đến món bò tơ nổi tiếng. Sở dĩ bò tơ ở đây được thực khách đánh giá cao vì có độ mềm, ngọt tự nhiên, thoảng mùi thơm của sữa.
Theo người dân địa phương, để tạo nên món đặc sản trứ danh, người ta thường lựa chọn những con bò tơ mới khoảng 5-6 tháng tuổi, bú mẹ hoàn toàn nên thịt thơm, mềm, ngọt nhẹ.
Trải qua nhiều công đoạn như xác định chất lượng, người ta sẽ đem thịt bò tơ về thui vàng, cạo lớp da ngoài rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để chờ chế biến. Thịt bò tơ có thể được biến tấu thành hàng trăm món ăn khác nhau như bò tơ cuốn bánh tráng, lẩu bò tơ rau rừng, bò tơ nhúng dấm,…, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và khẩu vị đa dạng của du khách thập phương.
Mít non trộn thịt
Mít được trồng nhiều tại Củ Chi, cho trái quanh năm nên lâu dần, người dân địa phương nảy ra ý tưởng tận dụng loại quả “cây nhà lá vườn” này để chế biến món ăn mới, đó là mít non trộn thịt.
Để làm mít non trộn thịt ngon, người Củ Chi thường chọn những trái mít bắt đầu căng múi, phần gai của vỏ giãn ra vừa phải. Mít khi hái xuống phải để thật ráo mủ, sau đó gọt vỏ, cắt bỏ phần cùi mít, chỉ lấy múi và xơ.
Mít non được thái thành miếng to, đem luộc cùng chút muối. Công đoạn này thực hiện nhiều lần để mít hết vị chát và không bị thâm đen, rồi đem xé hoặc cắt miếng nhỏ vừa ăn, trộn cùng nước mắm chua ngọt, thêm thịt heo luộc, tôm hoặc thịt gà và rau thơm.
Măng tươi luộc trộn tôm thịt
Tương tự như mít, một số loại cây như tầm vông, tre, trúc cũng được trồng nhiều ở Củ Chi. Bởi vậy cũng có nhiều món ăn được chế biến từ măng tre ở mảnh đất này và được nhiều thực khách yêu thích, có thể kể đến như măng tre tươi luộc trộn tôm thịt.
Để làm măng tre trộn tôm thịt ngon, người Củ Chi thường chọn măng tre tàu lõi to, vị ngọt chứ không đắng như các loại măng khác. Măng hái về được đem lột vỏ, bào mỏng thành từng miếng rồi mang đi ngâm nước muối. Sau đó, người ta luộc măng nhiều lần để măng giữ được độ giòn và trắng.
Măng luộc xong để ráo nước rồi đem trộn đều với thịt ba chỉ và tôm luộc, thêm nước mắm chua ngọt, lạc rang giã nhỏ và rau thơm. Món này có thể ăn ngay hoặc thưởng thức kèm phồng tôm.
Củ mì hấp nước dừa
Là món ăn dân dã có mặt ở nhiều tỉnh thành khắp cả nước song củ mì (sắn) hấp nước dừa vẫn được xem như đặc sản trứ danh của vùng đất Củ Chi.
Củ mì Củ Chi nổi tiếng không chỉ vì độ ngọt thơm, dẻo bùi mà còn gắn liền với giai đoạn lịch sử hào hùng trong quá khứ. Tới đây, du khách không khó để bắt gặp hình ảnh củ mì, món khoai mì hấp được bày bán dọc khắp hai bên đường, hút khách thưởng thức khi ghé thăm địa đạo.
Ngoài món củ mì hấp nước dừa phổ biến nhất, du khách cũng có thể nếm thử củ mì hấp lá dứa hoặc củ mì xay thành bột làm bánh tằm. Các món này tuy chế biến đơn giản nhưng hương vị hấp dẫn, giá thành bình dân ai cũng mê.
Bên cạnh các món ăn kể trên, nếu có dịp du lịch Củ Chi, du khách có thể tìm và mua một số đặc sản làm quà cho người thân như bánh tráng Củ Chi, sữa bò Củ Chi, gà nướng lu, cá hải tượng nướng muối ớt,…
Theo Phan Đậu (Vietnamnet)