Bánh cay là món ăn vặt yêu thích của nhiều người. Bánh được làm từ củ khoai mì mài nhuyễn, ướp thêm gia vị, đặc biệt là cho thêm ớt chín để bánh có vị cay nồng, thơm ngon.
Nguyên liệu
Hai, ba củ khoai mì lớn
Ớt chín, hành lá, sả cây
Gia vị: muối, đường, dầu ăn.
Thực hiện
Khoai mì lột vỏ, ngâm nước khoảng một tiếng để giảm bớt nhựa, rửa nhiều lần cho sạch, để ráo. Cho khoai mì lên bàn mài (ở quê, bàn mài là một miếng nhôm được đục nhiều lỗ nhỏ), mài mạnh tay để củ mì nhuyễn ra. Nếu không có bàn mài, có thể cắt khoai mì ra từng miếng nhỏ và cho vào máy xay.
Sau khi khoai mì nhuyễn, vắt nước, tuy nhiên không vắt quá khô, để kiểm tra, có thể nhồi khoai mì đều tay thành khối, ấn ngón tay vào thấy khoai mì mịn, có độ dính, không bị tơi là được.
Sả cây lấy phần gốc, đập giập, băm nhuyễn. Hành lá xắt nhuyễn. Ớt chọn quả chín đỏ, băm nhuyễn (tùy theo khẩu vị ăn cay để cho ớt vào).
Cho sả, hành lá, ớt vào khoai mì, thêm ít muối, đường, trộn đều để các nguyên liệu hòa trộn vào nhau. Đường chỉ cho thật ít, tránh lúc chiên bánh bị cháy khét bên ngoài mà vẫn chưa chín bên trong.
Ngắt một ít khoai mì cho vào tay, nắn đều và mạnh tay để tạo độ dẽ để tiếp theo có thể tạo hình bánh dễ dàng hơn. Có nhiều cách tạo hình cho bánh cay, vo viên tròn, nắn dẹp hay theo kiểu truyền thống là lăn trên tay thành những khúc ngắn đều được. Thông thường, kiểu bánh cay truyền thống vẫn phổ biến nhất. Muốn bánh khi cho vào chảo chiên được đẹp, bước tạo độ dẽ rất quan trọng, nếu lực tay không phù hợp, bánh có thể bị vỡ ra trong quá trình tạo hình hoặc lúc để vào chảo chiên sẽ bị nát.
Đun sôi dầu ăn, khi dầu thật nóng cho bánh cay vào (dầu ngập bánh). Trở bánh đều tay, chiên đến khi thấy bánh rám vàng đều là được.
Bánh cay ngon nhất là khi vừa chín tới, giữ được nguyên độ dẻo. Không để bánh quá vàng, khi nguội sẽ cứng và mất đi mùi vị vốn có của bánh cay.