Có vẻ ngoài không mấy bắt mắt, được ví như “ngón tay của quỷ” hay “ngón tay thần chết” nhưng đây là “lộc trời” ở biển, là đặc sản có giá trị cao, nhiều khi muốn mua không có.
Loại hải sản này được biết đến với nhiều tên gọi như hà ngỗng, đằng hồ hoặc ốc cổ ngỗng. Đây là một trong những loại hải sản hiếm và ngon nhất thế giới.
Hà ngỗng là một loại động vật giáp xác có hình thù kỳ lạ với thân dài, lớp vỏ cứng chắp lại với nhau nhưng phần thịt bên trong lại dài, cong, mềm.
Chúng sống dưới biển, có xúc tu để bám lên bề mặt cứng tại các bờ biển như tảng đá, thân cây, thuyền bè,… Tuy kích thước không lớn nhưng chúng có khả năng đục khoét vật cứng, thậm chí là tảng đá lớn.
Với thân dày, hà ngỗng sống trên đá ở phần bờ biển giữa lúc thủy triều lên và xuống. Chúng cũng kiếm ăn nhờ sự lên xuống của thủy triều.
Hà ngỗng có nhiều là vùng biển ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Canada. Nhưng loại ngon nhất chủ yếu sống tại vùng cực tây của Bồ Đào Nha.
Loại ốc này chỉ sống ở những nơi có nguồn nước rất sạch. Yêu cầu về chất lượng nước của hà ngỗng khá cao. Nếu nước biển ô nhiễm nghiêm trọng, chúng sẽ không thể sống được, thậm chí sẽ chết rất nhanh. Vì vậy, chúng có thể được coi là dấu hiệu cho biết mức độ ô nhiễm của nước biển.
Sở dĩ chúng có tên gọi là hà ngỗng hay ốc cổ ngỗng bởi phần đầu của loại ốc này thật sự rất giống cái đầu ngỗng với phần cổ dài, đầu tròn và mỏ nhọn.
Một số con hà ngỗng có độ dài hơn nhìn giống ngón tay và móng tay của con người. Vì thế, ở Bồ Đào Nha người ta gọi loại hải sản này là “những ngón tay quỷ Lucifer”. Ai nhìn lần đầu sẽ cảm giác hơi sợ trước vẻ bên ngoài xấu xí của chúng.
Hà ngỗng chỉ sống ở môi trường tự nhiên ở biển khơi chứ không nuôi được. Loại ốc này được bán với mức giá đắt đỏ một phần do quý hiếm và quá trình khai thác khó khăn, nguy hiểm.
Đáng chú ý, hà ngỗng còn có một biệt danh khác là hải sản từ địa ngục, vì chúng thường sinh sống trên những tảng đá ven biển, nơi thường xuyên có những cơn sóng to đập vào. Để bắt được hà ngỗng, ngư dân phải đi tàu ra biển rồi lặn tìm bởi chúng bám chặt vào các tảng đá.
Ngư dân phải leo xuống vách đá cao chừng 100m với dây thừng chắc chắn kèm theo dụng cụ chuyên dụng để đục bề mặt đá nơi thủy triều rút xuống. Những ngư dân lành nghề sẽ biết căn theo nhịp sóng để đánh bắt. Người làm nghề khai thác hà ngỗng cần có kinh nghiệm, khéo léo bóc gỡ, tránh để chúng bị rách trực tiếp khi tách ra khỏi đá.
Đặc biệt, bắt hà ngỗng phải làm việc theo nhóm để đảm bảo an toàn. Họ lập thành từng đội, phối hợp nhịp nhàng ăn ý, căn thời điểm đủ an toàn và biết dừng lại đúng lúc. Hà ngỗng rất khó bảo quản. Do đó, ngư dân thường chỉ đi khai thác nếu có đơn đặt hàng.
Do việc bắt ốc cổ ngỗng tương đối vất vả và nguy hiểm nên việc săn loại hải sản này được quản lý rất chặt chẽ.
Ở vùng Galicia, Tây Ban Nha, chính quyền chỉ cho mỗi người thợ săn có bằng bơi lặn đi săn ‘ngón tay quỷ’ mỗi ngày là 6kg, nếu vi phạm sẽ ngay lập tức bị tước bằng và nghiêm cấm săn bắt.
Tương tự, ở Bồ Đào Nha, việc săn ốc cổ ngỗng cũng được quản lý rất chặt chẽ. Chỉ có 80 giấy phép lặn bắt hà ngỗng được cấp mỗi năm, trong đó yêu cầu mỗi thợ lặn chỉ được bắt 15kg hà ngỗng mỗi ngày.
Có hình thù trông đáng sợ nhưng đây là loại hải sản ngon nhất thế giới. Cách ăn hà ngỗng rất dễ bởi khi luộc chín, phần thân sẽ mềm hơn. Chỉ cần dùng 2 tay ấn nhẹ phần tiếp nối giữa thân và đầu hà ngỗng là có thể tách bỏ vỏ dễ dàng. Phần ăn được chính là thịt trắng nõn bên trong.
Người châu Âu vô cùng yêu thích loại thực phẩm này và xem đây như một loại hải sản cao cấp bởi chúng có giá trị dinh dưỡng rất cao. Hà ngỗng chứa nhiều nguyên tố vi lượng, có vị ngọt, thơm ngon khó cưỡng. Nhiều thực khách từng thưởng thức miêu tả hà ngỗng ngon hơn cả tôm hùm hay cua hoàng đế.
Món hà ngỗng được liệt vào danh sách các món ăn ngon ở nhiều nhà hàng sang trọng trên thế giới. Tại các nhà hàng ở châu Âu, mỗi đĩa hà ngỗng có giá khoảng 100 Euro (khoảng hơn 2,5 triệu đồng).
Trên thị trường, loại hải sản này có giá khoảng 150 Euro/kg (tương đương hơn 3,8 triệu đồng/kg). Mặc dù đắt đỏ nhưng vẫn có những người muốn mua nhưng lại chẳng mua được loại hải sản này vì chúng khá khan hiếm.
Theo Hạnh Nguyên (Vietnamnet)