Với một số con đường có tính thử thách cao, du khách nên kiểm tra thông tin xác thực và tình trạng xe trước khi khởi hành. Thậm chí, du khách nên cân nhắc mua bảo hiểm nhân thọ bên cạnh các gói bảo hiểm du lịch.
Những con đường nổi tiếng nhất
Nối liền bờ Đông và bờ Tây từ Chicago đến Los Angeles, Route 66 là con đường huyết mạch, đã trở thành một hình ảnh huyền thoại trong thi ca tại nước Mỹ. Route 66 xứng đáng góp mặt trong bảng xếp hạng những con đường nổi tiếng nhất thế giới, bên cạnh Đại lộ Champs-Élysées tại Paris – nơi chắc chắn sẽ là tâm điểm chú ý khi nước Pháp đăng cai Thế vận hội Paris 2024.
Great Ocean Road – tuyến đường dài 240km men theo bờ biển phía Đông Nam Australia cũng được nhiều người biết đến nhờ khung cảnh tuyệt đẹp. Còn có một con đường nổi tiếng là The Silk Road (hay Con đường Tơ Lụa), mặc dù ngày nay hành trình này không còn được duy trì như ban đầu. Nhắc đến con đường huyền thoại này, người ta sẽ nhớ về những câu chuyện huyền thoại giữa nền văn minh cổ đại của Trung Quốc và phương Tây, thông qua một mạng lưới các tuyến đường thương mại được các thương nhân sử dụng để buôn bán nhiều loại hàng hóa như thảm, đồ thủy tinh và vàng.
Trục đường thẳng kéo dài nhất
Quốc gia nắm kỷ lục về trục đường thẳng kéo dài nhất hiện nay là Saudi Arabia. Đó là Cao tốc số 10 cắt ngang quốc gia này, ban đầu được xây dựng làm đường dành riêng cho nhà vua, tạo thành một con đường thẳng tắp dài 256km.
Kỷ lục cũ thuộc về đường cao tốc Eyre nối Tây Australia và Nam Australia, cắt qua đồng bằng Nullarbor. Suốt quãng đường 146km, du khách không cần lo lắng về những khúc cua, thậm chí chẳng mấy khi phải bẻ lái. Tuy nhiên sự tỉnh táo vẫn cần được duy trì khi lái xe trên con đường này, vì đã có những vụ va chạm liên quan đến ô tô, lạc đà hay kangaroo bởi sự chủ quan của người lái xe.
Con đường ngoằn ngoèo nhất
Trái ngược với những đường cao tốc thẳng tắp, con đường Lombard ở San Francisco (Mỹ) nổi tiếng với hàng loạt khúc cua gấp trong một đoạn đường chỉ dài chừng 400m, nên còn được gọi là “con đường quanh co nhất thế giới”. Ngày nay đường Lombard là một địa điểm nổi tiếng với khách du lịch hiếu kỳ – những người sẵn sàng chờ tới 20 phút để đi hết con đường chỉ có 1 làn xe, được xây dựng trên độ dốc 27%. Thậm chí nếu đi bộ, bạn sẽ đi hết con đường này nhanh hơn sử dụng ô tô. Sự đông đúc, nhiều du khách băng qua đường và các khúc cua khiến các tài xế thường chỉ điều khiển xe chạy ở tốc độ khoảng 8km/h ở đường Lombard.
Đường dài nhất dành cho ô tô
Theo Kỷ lục Guinness Thế giới, tuyến đường dài nhất thế giới mà một chiếc xe ô tô có thể chạy liền mạch là cao tốc Pan-American – nối liền Fairbanks, Alaska (Mỹ) và Santiago (Chile). Trang web của Guinness tuyên bố tuyến đường này dài khoảng 24.140km. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng con đường có thể bắt đầu ở Vịnh Prudhoe, Alaska (Mỹ) và kết thúc ở Ushuaia (Argentina), tạo ra một khoảng cách lên tới 48.000km.
Tuy nhiên các ý kiến tranh cãi rằng Pan-American không phải là con đường đơn lẻ, mà thực chất là một mạng lưới đường bộ. Hơn nữa tuyến đường này bị ngắt quãng tại khu vực Darién Gap, nơi chỉ toàn núi non, đầm lầy và rừng rậm giữa Panama và Colombia. Nơi này vẫn tồn tại những con đường mòn nhưng không được coi là đường giao thông công cộng, và mọi người thường chọn đường hàng không hoặc đường biển chứ không lái xe xuyên qua.
Mạng lưới đường bộ ngắn nhất
Mạng lưới đường bộ ngắn nhất thế giới có thể được tìm thấy trên đảo Tuvalu ở Thái Bình Dương. Được tu sửa vào năm 2017, toàn bộ hệ thống đường bộ trên đảo Tuvalu có chiều dài 15,5km (từ vịnh Causeway đến thị trấn Kennedy và ngược lại). Với độ cao trung bình chỉ 2 mét so với mực nước biển, một số đảo của Tuvalu khó tồn tại được lâu. Mỗi khi thủy triều dâng cao và bão dữ dội, sóng tràn qua các con đường, làm bật gốc cây cối và làm ô nhiễm các nguồn nước ngọt. Trong bối cảnh 2 trong số 9 hòn đảo của Tuvalu đang có nguy cơ chìm sâu, nhiều người dân đã di cư đến New Zealand.
Con đường nguy hiểm nhất
Có nhiều ứng cử viên cho danh xưng “Con đường nguy hiểm nhất thế giới”. Nếu nói về số vụ tai nạn, đó là con đường tử thần El Camino de la Muerte tại Bolivia, từng cướp đi sinh mạng khoảng 200 đến 300 người mỗi năm cho đến khi chính phủ nước này quyết định xây dựng một tuyến đường tránh.
Con đường Tizi n’ Test tại Maroc cũng không dành cho những người yếu tim. Trang web Dangerousroads.org mô tả con đường này bằng những cảnh báo đáng sợ như “không nên đi khi trời tối”, “không có vạch kẻ đường”, “nhiều khúc cua và con đường dốc đứng”.
Không kém phần nguy hiểm là các tuyến đường trên khu vực dãy Himalaya phía bắc Ấn Độ và Pakistan, thường chỉ có một làn xe với một bên là vách núi, một bên là vực sâu hun hút mà không có những hàng rào để giữ an toàn. Cụm từ “Rohtang”, có nghĩa là “đống xác chết” trong tiếng địa phương, được dùng đặt tên cho một con đèo trên tuyến đường này.
Con đường thấp nhất so với mực nước biển
Đường cao tốc Dead Sea là con đường nằm thấp nhất thế giới: 393m dưới mực nước biển. Đây cũng là con đường dài nhất tại Israel, chạy dọc theo Biển Chết – nơi nổi tiếng là hồ chứa nước có độ mặn cao nhất trên thế giới. Tên chính thức của con đường này là Xa lộ 90, theo tuyến đường thương mại Via Maris nối Ai Cập cổ đại với Syria và khu vực Lưỡng Hà. Tuyến đường này đưa du khách tới nhiều điểm du lịch thú vị, không chỉ là Biển Chết mà còn có pháo đài Masada hay khu bảo tồn thiên nhiên Ein Gedi. Du khách nên đến đây trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, tránh những đợt nóng mùa hè có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như phương tiện giao thông.
Đường bộ nằm ở nơi cao nhất
Đèo Khardung nằm ở độ cao 5.359 m ở vùng Ladakh của Ấn Độ, được Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận là đường bộ cao nhất thế giới từ vài năm trước đây. Ngoài ra, có những con đường ít phổ biến hơn, không trải nhựa và chỉ dành cho các phương tiện quân sự và những người đi xe đạp leo núi là đường núi Uturuncu ở Bolivia, nằm ở độ cao 5.768 mét. Hoặc đường đèo Umling ở độ cao 5.798 mét tại Ladakh được công nhận là đường dành cho ô tô cao nhất thế giới, tuy nhiên chỉ con đường này mở cửa vài tháng trong năm do tuyết rơi dày đặc trong suốt khoảng thời gian còn lại.
Theo CTV Xuân An (Vov.vn)