Lần đầu du lịch Gia Lai và thưởng thức bún cua thối, vị khách Tây không khỏi hào hứng, mạnh dạn “chén sạch” cả tô dù hương vị của món đặc sản này được đánh giá là “bốc mùi” khó ngửi và rất kén khách.
Dustin Cheverier (đến từ miền Nam California, Mỹ) là một trong những travel blogger nước ngoài được nhiều người biết đến khi sở hữu kênh Youtube cá nhân hơn 790.000 lượt theo dõi. Anh hiện sinh sống tại Việt Nam được 9 năm và thường xuyên chia sẻ những video trải nghiệm về cuộc sống, du lịch và ẩm thực ở khắp các vùng miền từ Nam ra Bắc.
Chàng trai người Mỹ nhận xét, Việt Nam là điểm đến có nhiều lợi thế hấp dẫn khách du lịch, từ ẩm thực, văn hóa con người tới cảnh quan thiên nhiên. Bởi vậy, anh luôn mong muốn có thể “góp phần vào việc quảng bá hình ảnh của dải đất hình chữ S” thông qua những video mà mình đăng tải trên trang cá nhân.
Mới đây nhất, Dustin có chuyến du lịch tới Gia Lai và anh không khỏi bất ngờ trước những món đặc sản lạ miệng ở đây. Chỉ trong một ngày ở TP. Pleiku, anh đã ghé nhiều quán ăn bình dân để thưởng thức các món ngon nức tiếng như bún cua thối, phở hai tô, bánh xèo, nem lụi,…
Trong đó, Dustin rất ấn tượng với món bún cua thối tại một cửa tiệm nhỏ trên đường Phùng Hưng. Chàng trai người Mỹ nhận xét, bún cua thối là món ăn quen thuộc của người bản địa nhưng khá kén khách và khó ăn với người nước ngoài bởi thứ mùi đặc trưng. Nhưng anh vốn thích trải nghiệm các món ăn mới lạ nên không ngần ngại nếm thử đặc sản “bốc mùi” này.
Để làm món bún cua thối, người Gia Lai thường chế biến cua được bắt ở đồng Phú Thọ (tức Đồng Xanh, xã An Phú, TP. Pleiku) bởi chỉ cua sống ở đây mới có mùi vị ngon và thơm hơn các loại cua khác.
Cua sau khi đánh bắt về được rửa sạch, bỏ mai, lấy phần thân đem giã hoặc xay nhuyễn rồi lọc lấy nước. Nước cua được ủ lên men khoảng một ngày đêm cho đến khi chuyển sang màu đen và bốc mùi thum thủm.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm, người dân địa phương sẽ biết cách cân đối để đảm bảo ủ nước cua đủ và đúng thời gian, tạo mùi vị đạt chuẩn. Nếu nước cua nặng mùi quá hoặc ít mùi thì khi chế biến cũng không ngon.
Tiếp đến, người ta bắc phần nước cua đã lên men lên bếp, đun sôi liu riu với lửa nhỏ rồi cho thêm măng tươi thái mỏng. Đun càng lâu, măng càng tiết ra vị ngọt khiến nồi nước dùng đậm đà hơn.
Ngoài bún, măng, trứng, món bún cua thối còn được ăn kèm da heo chiên giòn với hành phi, đậu phộng, nem chua, chả giò,… rồi chan cùng nước dùng nặng mùi có màu đen ngòm, đặc sánh.
Vì lần đầu ăn bún cua thối, muốn trải nghiệm trọn vẹn hương vị của món ăn nên Dustin nhờ chủ quán hướng dẫn cách nêm nếm gia vị sao cho ngon. Anh chăm chú quan sát người chủ quán tỉ mỉ thêm các loại gia vị như mắm nêm, ớt băm, nước cốt chanh,… vào tô bún rồi trộn đều lên và thưởng thức.
“Mùi thơm rất đặc biệt, tuy nhiên sẽ hơi khó ăn với khách nước ngoài. Mắm nêm ở đây không nồng như các loại mắm khác nên tôi ăn nhiều cũng vẫn thấy ổn. Thật khó diễn tả hương vị này, tôi cảm giác giống như tôm cá tươi được đem xay nhuyễn rồi ủ lên men vậy”, Dustin nhận xét.
Vị khách Tây cũng tỏ ra sành ăn không kém người bản địa khi ăn bún cua thối kèm các loại rau sống với chả giò, nem chua, trứng ngâm,… Mặc dù nước cua có màu đen ngòm và nặng mùi nhưng anh liên tục khen ngon và tỏ ra ấn tượng với hương vị độc lạ của thứ bún đặc sản ở phố núi.
Ngoài bún cua thối, Dustin cũng tỏ ra thích thú khi được thưởng thức món phở hai tô (hay còn gọi là phở khô) của người Gia Lai với giá 80.000 đồng/2 bát. Anh nhận xét nước lèo đậm vị thịt bò còn phở dai dai lạ miệng, không giống các món phở Việt anh từng ăn.
Bên cạnh đó, chàng blogger người Mỹ cũng dành nhiều lời khen ngợi cho món nem lụi cuốn bánh tráng và bánh xèo nhân thịt bò. Đặc biệt, tình cảm nồng hậu và sự tốt bụng của người dân địa phương khi liên tục chủ động tặng đồ ăn miễn phí cho vị khách nước ngoài cũng là điều khiến anh cảm thấy ấm áp và trân quý trong chuyến đi lần này.
“Bà con ở đây thực sự rất hiền và thân thiện, tốt bụng. Tôi rất biết ơn”, Dustin bày tỏ.
Theo Phan Đậu (Vietnamnet)