Ngày 1-12, Sở Y tế TP.HCM cho biết qua quá trình giải mã các chủng virus, đến nay TP chưa ghi nhận sự hiện diện của biến thể Omicron.
Hiện nay thế giới đang trong tình trạng cảnh giác cao độ về biến thể Omicron – Ảnh minh họa: DW/ZUMA PRESS
Sở Y tế cho biết thực hiện giám sát tình hình biến chủng COVID-19 gây dịch trên địa bàn TP.HCM, đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tiến hành giám sát chủ động các biến chủng của COVID-19 từ đầu mùa dịch đến nay, hiện nay tập trung giám sát biến chủng Omicron.
Đến nay, kết quả giải mã các chủng virus tại TP.HCM chưa ghi nhận sự hiện diện của biến thể Omicron.
Sở Y tế tiếp tục phân công Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và OUCRU phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tiếp tục giám sát và giải mã nhanh các biến chủng lưu hành trên địa bàn TP, đặc biệt kịp thời phát hiện sự xuất hiện của các biến chủng quan ngại như biến chủng Omicron từ các ca bệnh trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực giám sát sự lưu hành các chủng virus gây bệnh, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực giải mã gene để sẵn sàng ứng phó với những thách thức tiềm tàng của dịch bệnh COVID-19 cũng như của các bệnh n.hiễm t.rùng mới nổi trong tương lai.
Trước đó, tại cuộc họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 29-11, ông Phạm Đức Hải – phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP – cho biết TP đã giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế liên quan đến biến thể Omicron, có vấn đề bất thường phải báo ngay.
TP cũng chuẩn bị các kịch bản, xây dựng bệnh viện dã chiến, chăm sóc F0, xây dựng trạm y tế lưu động, củng cố y tế cơ sở… Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa y tế công và tư, đông y và tây y, quân y và dân y trong ứng phó dịch.
TP.HCM đã giải mã 408 bộ gene của virus SARS-CoV-2
Tính từ tháng 5 đến tháng 11-2021, có 408 bộ gene của virus SARS-CoV-2 đã được giải mã từ 23 quận huyện và TP Thủ Đức. Các phân tích về di truyền cho thấy biến chủng gây dịch thuộc biến chủng Delta. Đây cũng là biến chủng được phát hiện từ các ca bệnh liên quan chung cư Sunview và chùm ca bệnh của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tháng 5- 2021.
Việc xác định nhanh biến chủng đã giúp TP định hình tốt hơn bức tranh dịch tễ COVID-19 trên địa bàn TP qua đó tập trung truy vết nhóm đối tượng liên quan, nhanh chóng khống chế không cho dịch bệnh lây lan trên địa bàn TP.
Thuốc trị COVID-19 miễn phí được rao bán giá ‘cắt cổ’
Trong khi thuốc kháng virus đang khan hiếm, nhiều người mắc COVID-19 (F0) cần nhưng không có thì một số người lấy danh nghĩa là bác sĩ, nhân viên y tế rao bán với giá cắt cổ.
T. đem đến 1 túi zip đựng 4 vỉ thuốc Molnupiravir bán với giá 8 triệu đồng – Ảnh: LÊ PHAN
Gần đây xuất hiện nhiều người rao bán trái phép các loại thuốc kháng virus như Molnupiravir, Favipiravir, Favimol… vốn được kiểm soát đặc biệt, được chỉ định miễn phí cho bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ.
Giao thuốc lúc… 3h sáng
Những ngày cuối tháng 11, khi TP.HCM chỉ còn 2.000 liều Molnupiravir và đề nghị Bộ Y tế xem xét cấp bổ sung 100.000 liều thì trên mạng xã hội, một người đàn ông có tài khoản Facebook V.J. nhận cung cấp thuốc Molnupiravir 400mg với giá 1,2 triệu đồng/vỉ 10 viên, yêu cầu người mua phải đặt ít nhất 4 vỉ mới giao hàng.
Về nguồn gốc, người bán này nhiều lần khẳng định được tuồn ra từ một bệnh viện ở TP.HCM.
“Nói thẳng với chị, hàng này tuồn trong bệnh viện ra, nên đảm bảo uy tín. Hàng cấm bán ở ngoài, nên việc kiểm rất gắt gao” – người này nói. V.J. nói với người có nhu cầu hiện thuốc đang “cháy hàng”, nếu cần gấp phải chuyển t.iền trước qua tài khoản, chờ lúc 3-4h sáng đến trước cổng bệnh viện để giao dịch. Việc lấy thuốc vào giờ này là bởi khi đó thuộc ca trực của “người quen”, mới có thể tuồn thuốc ra ngoài với số lượng hạn chế.
Khi người mua tỏ ra hoài nghi về nguồn gốc của thuốc, V.J. thuyết phục: “Nếu không tin cứ 3-4h sáng chị cứ đến trước cổng bệnh viện, em sẽ gọi người ra đưa, là y tá của bệnh viện đàng hoàng”.
Đồng thời, V.J. liên tục hối thúc “chốt đơn” nhanh: “Mấy thuốc này quản lý thị trường đang kiểm tra gắt lắm, theo đúng luật là các bệnh viện phát cho bệnh nhân COVID-19 chứ đâu được bán. Kiếm được một hộp rất hiếm nên người ta bán giá cao, có mấy vụ nhân viên y tế tuồn hàng ra bị bắt rồi”.
Ngoài Molnupiravir, đối tượng này còn giới thiệu đang bán các loại thuốc khác như Favipiravir, Augmentin 625mg, Favimol 200mg, trong đó Favipiravir giá 10 triệu đồng/hộp.
Lộ diện đường dây buôn thuốc
Một người bán thuốc kháng virus trái phép khác là N.T.T., tự xưng là bác sĩ làm việc tại Bệnh viện đa khoa M.P. (Bình Dương). T. cũng thường đăng bài bán thuốc kháng virus với chiêu thức khá tinh vi.
T. chủ động liên hệ, nhưng không bán trực tiếp, mà hướng dẫn người mua gọi điện cho một bác sĩ tên Hiếu, được T. giới thiệu đang công tác tại một bệnh viện dã chiến ở TP.HCM. “Bạn gọi nói vấn đề của người bệnh, bác sĩ Hiếu sẽ giúp. Bác đó bên chuyên khoa COVID-19. Cứ hỏi bác, đừng nghe ai đồn dùng thuốc gì hết” – T. mở lời.
Chúng tôi liên hệ với “bác sĩ Hiếu”, sau một lúc hỏi thăm tình trạng bệnh, người này “chốt” nên dùng thuốc do mình cung cấp. Cụ thể, thuốc Molnupiravir Hiếu sẽ bán 15 triệu đồng/hộp, còn Favipiravir 2,7 triệu đồng/hộp.
“Tình trạng của bệnh nhân nên xài Molnupiravir, nhưng hiện tại tôi cũng không còn, chỉ còn đúng 1 vỉ duy nhất mà đã có người vừa hỏi” – vị “bác sĩ” Hiếu này cho hay.
“Vì nó là hàng cấm, thuốc của tôi đang giữ là thuốc của Bộ Y tế, thuốc này mà bán ra ngoài công an bắt hết, khổ lắm. Hôm trước tôi ráng lắm mới giữ được 7 hộp” – người này nói và bảo chúng tôi nhắn địa chỉ, khi có hàng sẽ liên hệ.
Chỉ 15 phút sau, vị “bác sĩ” này báo đã có người nhượng lại thuốc Molnupiravir giá 7 triệu đồng/vỉ, và yêu cầu chúng tôi chuyển khoản qua ngân hàng. Nhưng khi người mua yêu cầu gặp mặt, nhận thuốc giao t.iền, “bác sĩ” Hiếu từ chối và ngừng giao dịch.
Khi liên hệ lại với T., T. nói có thuốc và hẹn mang thuốc đến tận nhà người mua để giao dịch. Khoảng 18h ngày 23-11, T. chạy xe biển số Bình Dương, đeo thẻ nhân viên y tế của Bệnh viện đa khoa M.P. đến điểm hẹn.
Đưa cho chúng tôi 1 túi đựng 4 vỉ thuốc Molnupiravir 200mg với giá 8 triệu đồng, T. nói: “Thuốc dành cho người bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, chứ em đợi khi có triệu chứng nặng uống cũng vô ích thôi”.
Ngoài loại thuốc này, T. còn giới thiệu thuốc Favipiravir: “Loại này tôi đưa ra ngoài bán giá 5 triệu/hộp nhưng giờ đã lên bằng giá của thuốc Molnupiravir, do hiếm hàng không thể tuồn ra nữa, chỉ dùng tại bệnh viện thôi”.
Các bệnh viện nói gì?
Trao đổi với T.uổi Trẻ, đại diện Bệnh viện đa khoa M.P. (Bình Dương) xác nhận người có tên T. từng làm việc tại đây trong khoảng 1 tuần và đã nghỉ việc. Trước đó T. cũng từng tham gia hỗ trợ công tác chống dịch ở Bệnh viện dã chiến Thới Hòa.
“Thuốc điều trị COVID-19 được cấp trực tiếp cho bệnh nhân COVID-19, không hề thông qua nhân viên này. Khi đang thử việc tại bệnh viện, nhân viên sẽ được phát một thẻ tạm thời, tuy nhiên do người này đang trong quá trình thử việc mà nghỉ ngang nên chưa thu hồi thẻ lại” – đại diện bệnh viện này nói.
Còn về người bán có nick V.J. nói thuốc được tuồn ra từ một bệnh viện ở TP.HCM, giám đốc bệnh viện này khẳng định bệnh viện chỉ thực hiện nghiên cứu thử nghiệm thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 trong vòng 1 tháng, và hiện nay toàn bộ kết quả cũng như thuốc mẫu đã được gửi về Bộ Y tế. Cụ thể, bệnh viện triển khai nghiên cứu từ đầu tháng 9, nhưng chỉ triển khai cho bệnh nhân ở bệnh viện dã chiến sử dụng, không nghiên cứu ở cộng đồng.
“Khi nghiên cứu ở bệnh viện dã chiến, tất cả mọi khâu từ lập danh sách, phân phát thuốc đến kiểm kê đều rõ ràng, mỗi bệnh nhân sẽ được phát bao nhiêu viên, không sử dụng sẽ thu về, sẽ không có nhân viên nào được giữ thuốc” – giám đốc bệnh viện trên khẳng định.
Thuốc điều trị COVID-19 đăng bán trái phép khắp các hội nhóm trên Facebook – Ảnh: CẨM NƯƠNG
Mới đây, Công an quận Bình Tân đã khởi tố, bắt tạm giam 2 nhân viên y tế và nhân viên kho dược của Trung tâm Y tế quận Tân Phú và Bình Tân về hành vi buôn bán trái phép thuốc điều trị COVID-19. Ngoài ra, Công an TP.HCM khởi tố 1 vụ án, 3 bị can về tội sản xuất, mua bán tân dược giả, thuốc phòng ngừa COVID-19.
Thuốc Molnupiravir dùng có kiểm soát
Thuốc Molnupiravir được Bộ Y tế cung cấp trong chương trình thí điểm điều trị người F0 có kiểm soát. Hiện có 34 tỉnh thành áp dụng Molnupiravir trong điều trị bệnh nhân COVID-19.
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước sử dụng Molnupiravir. Để ngăn hành vi trục lợi, ngành y tế nhiều lần khuyến cáo thuốc phải được dùng đúng mục đích, không sử dụng hết phải hoàn trả, tuyệt đối không chia sẻ cho người khác, kể cả người thân. Đặc biệt, người bệnh không triệu chứng thì không sử dụng.
Mạo danh bác sĩ?
Liên hệ với tài khoản Facebook tên B.S.M., chúng tôi được báo giá lên đến 16 triệu đồng/hộp thuốc Molnupiravir 400mg. Qua trao đổi, người này giới thiệu là bác sĩ làm việc tại một bệnh viện ở TP.HCM và từng được phân công đến bệnh viện dã chiến hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19. “Tôi được cấp thuốc này để nghiên cứu và khi điều trị cho bệnh nhân F0 nhiều người trở nặng, không dùng được nên dư ra, mấy bạn dược sĩ nhờ đăng bán giùm cho bệnh nhân có nhu cầu” – ông M. cho biết.
Theo lời ông M., mỗi khi phát thuốc cho bệnh nhân đều phải làm báo cáo, nếu bệnh nhân không sử dụng cũng phải làm báo cáo trả về. Lợi dụng cơ hội đó, thuốc miễn phí đã bị tuồn trót lọt ra ngoài bán với giá đắt đỏ. Ông này tiết lộ: “Thay vì phải làm báo cáo trả lại thuốc thì mình cứ nói bệnh nhân dùng rồi mới trở nặng, đỡ phải làm báo cáo”.
Để giao dịch, ông M. cho số tài khoản ngân hàng mang tên Nguyễn Phú Thành. Theo xác minh, người mang tên này đồng thời quản lý một trang web khám bệnh online, với thông tin cá nhân cụ thể là bác sĩ CKII Nguyễn Phú Thành, làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Tuy nhiên xác minh từ các bệnh viện chuyên khoa nhi của TP.HCM đều không có bác sĩ nào tên Nguyễn Phú Thành.