Phở bưng Hàng Trống trong như nước suối, khách lách hẻm hẹp, ‘gù lưng mỏi gối’ chờ ăn

Không còn nằm ngay vỉa hè Hàng Trống, quán phở bưng – khách “gù lưng, mỏi gối” thưởng thức đã chuyển vào căn gác trong một dãy nhà phố cổ. Quán hơi khó tìm, chật hẹp nhưng vẫn thu hút thực khách yêu phở.

Gần chục năm về trước, cứ tới giờ tan tầm, một quán phở nằm ở khu vực đầu phố Hàng Trống giao Hàng Bông (Hà Nội) lại chật cứng thực khách. Quán phở không biển hiệu, không cửa hàng, nằm ngay vỉa hè với một nồi nước dùng, rổ thịt bò, vài chục cái ghế nhựa. Khách xếp hàng gọi đồ rồi tự tay bưng bát phở nóng hôi hổi, nhanh chân tìm ghế trống để ngồi thưởng thức. Không có bàn nên khi ăn, họ cứ tay bưng, tay gắp, miệng xuýt xoa. Cũng vì đó, người ta gọi đây là “phở bưng Hàng Trống” – món phở “gù lưng, mỏi gối” thưởng thức. Quán phở này cũng từng thu hút rất đông khách du lịch nước ngoài.

Năm 2016 – 2017, khi thành phố triển khai dẹp vỉa hè quy mô lớn, quán phở bưng “lùi” vào trong nhà. Để tìm đến quán phở nổi tiếng một thời, thực khách phải đi vào một con hẻm nhỏ, chỉ vừa đủ hai người tránh nhau, sâu chừng 6-7m. Sau đó, đi theo bảng chỉ dẫn lên tầng hai, qua một cầu thang xoắn ốc cũ kĩ.

pho bung 1703

pho bung 2 1704

Quán phở này nằm ở vị trí không dễ tìm và giờ mở cửa đón khách cũng “ẩm ương”. Chủ quán chỉ mở bán từ 15h đến 21- 22h là đóng cửa

Không gian của quán rộng chỉ chừng 10m2, nằm trên tầng hai của một dãy nhà phố cổ. Một góc phòng khách của gia đình chủ quán được tận dụng để kê 4-5 chiếc bàn nhựa, nơi đón được chừng chục vị khách. Góc bếp với nồi nước dùng sôi sùng sục, rổ thịt và dụng cụ làm phở nằm ở góc ban công rộng 3-4m2. Khu ban công này không có đủ chỗ đặt bàn, thực khách tới ăn phở vẫn giữ thói quen như hồi ngồi vỉa hè – vừa bưng vừa gắp. Ngày mưa, bà chủ đội nón để bán hàng, lấy ô che cho nồi nước phở.

pho bung 17 1705

pho bung 8 1706

Bà chủ quán ở đây khá kiệm lời. Bà đồng ý để phóng viên thưởng thức, chụp ảnh, phỏng vấn khách hàng nhưng hiếm khi chia sẻ điều gì. Anh Dũng – con trai chủ quán, người đang phụ mẹ bán hàng mỗi ngày tâm sự: “Mỗi ngày mẹ tôi đều dành rất nhiều tâm huyết cho nồi nước dùng, chọn lựa tỉ mỉ từng miếng thịt bò. Bà không quảng cáo hay khen ngợi phở mình nấu bao giờ. Quán lâu nay chủ yếu là khách quen lâu năm hoặc họ tự giới thiệu nhau mà tới”.

pho bung 23 1707

Anh Dũng phụ mẹ đứng bếp, làm phở cho khách

Điểm đặc trưng nhất của bát phở là phần nước dùng trong như “nước suối”, vị thanh, thơm dịu, hoàn toàn không có mùi gây của thịt hay xương bò. Theo anh Dũng, phở được ninh từ xương trên lửa thật nhỏ, trong nhiều giờ để có vị trong, thanh như thế.

pho bung 3 1708

Nước dùng phở được ví “trong như nước suối”

Quán chỉ bán duy nhất loại phở chín. Những tảng bò được luộc chín tới, mỡ nạc đan xen, thái mỏng, ăn mềm. Phở ở đây có phần thanh, nhạt, không quá đậm đà nhưng vừa miệng, và dường như rất hợp để thực khách thưởng thức lúc tan tầm, khi bụng đang có chút cồn cào. Nhiều vị khách cho biết họ còn thích mua phần nước phở này về… để chan cơm nguội, món ngon thời bao cấp.

pho bung 18 1709

pho bung 19 1710

Anh Dũng là thực khách gắn bó với quán 5-6 năm nay. Ở tận Cầu Giấy nhưng Chủ nhật nào anh cũng tìm tới Hàng Trống thưởng thức phở bưng. Lí do đơn giản là thích hương vị phở ngọt thanh, mộc mạc và anh có “cảm tình” với không gian quán mang chút hoài cổ một thời bao cấp, không còn dễ thấy ở Hà Nội hiện nay.

pho bung 25 1711

Anh Dũng đã thưởng thức phở tại quán 5-6 năm nay, từ khi còn là sinh viên

Một nữ thực khách cho biết, chị ăn phở tại quán từ nhiều năm trước. Bây giờ có gia đình, chị vẫn hay đưa con tới thưởng thức. “Nhìn góc bếp của chủ quán tôi nhớ góc bếp than, bếp dầu ở những căn tập thể, ngôi nhà phố cổ ngày xưa, nơi mùi nước phở thoang thoảng, thanh thanh, khói nghi ngút. Ở đây bình yên và mộc mạc, có chút gì đó gợi lại tuổi thơ, khác hẳn những hàng quán hiện đại nhưng ồn ã, xô bồ. Mỗi người có cách thưởng thức ẩm thực riêng. Đôi khi nó là cái ngon từ tinh thần chứ không chỉ nằm ở hương vị tô phở”, chị nói.

pho bung 10 1712

pho bung 15 1713

pho bung 20 1714

Thực khách vui vẻ bưng tô phở nóng hổi, thưởng thức trong không gian chật chội, không tiện nghi

Hiện, mỗi bát phở tại quán có giá 35.000 đồng. Những ngày đầu đông se lạnh, giờ tan tầm, quán phở đón khá đông thực khách.

Theo Linh Trang (VietNamNet)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *