Bản Lao Xa, Cao Mã Pờ, Lô Lô Chải hay Xà Phìn… là những bản, làng đẹp, yên bình mà du khách có thể ghé thăm khi đến Hà Giang.
Bản Lao Xa
Bản Lao Xa cách trung tâm xã Sủng Là, huyện Đồng Văn khoảng 6km, nơi đây đất dốc thoai thoải, phía lưng chừng núi là nơi người dân sinh sống, đất dưới chân núi dành để canh tác ngô và rau màu. Vào mùa Xuân, bản Lao Xa thu hút du khách bởi sắc hoa đào, mận, lê… nở rộ. Nơi đây còn có nghề chạm bạc thủ công nổi tiếng của người Mông, đang được gìn giữ với rất nhiều công đoạn phức tạp và đòi hỏi sự tỉ mỉ.
Bản Lô Lô Chải
Nằm dưới chân núi Rồng, nơi đặt cột cờ Lũng Cú thiêng liêng của tổ quốc, Lô Lô Chải là bản làng của đồng bào dân tộc Lô Lô – một trong những dân tộc ít người tại Hà Giang. Thời gian dân đây, các hộ dân tại Lô Lô Chải đã bắt đầu làm homestay và dịch vụ du lịch phục vụ du khách. Với hơn 140 hộ dân, nơi đây dần trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Làng Thiên Hương
Làng Thiên Hương nằm ẩn sâu sau dãy núi và gần dòng Nho Quế, cách thị trấn Đồng Văn hơn 5km về phía Bắc, nơi đây thích hợp cho những ai yêu thích “du lịch chậm”, cảm nhận vẻ đẹp thanh bình của thiên nhiên. Bản làng biên giới này là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Tày với nghề nấu rượu thủ công truyền thống.
Làng Pả Vi
Pả Vi là một làng du lịch cộng đồng mới nhưng đã thu hút được sự quan tâm của du khách khi đến cao nguyên đá Đồng Văn. Những homestay tại làng Pả Vi được xây dựng đúng phong cách của đồng bào dân tộc Mông, có hàng rào bằng đá xếp xung quanh, khuôn viên trồng nhiều hoa… tạo nên cảnh quan đẹp.
Bản Du Già
Du Già sở hữu cảnh sắc yên bình với núi non trùng điệp và những dòng thác đẹp… cùng với văn hoá bản địa của đồng bào dân tộc Tày. Gần đây, Du Già đã trở thành một điểm đến hấp dẫn, đặc biệt với những du khách yêu thích khám phá thiên nhiên.
Thôn Tha
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang không xa, thôn Tha gây ấn tượng bởi những mái nhà sàn lợp mái cọ san sát nhau. Nét văn hóa, ẩm thực của đồng bào Tày tại đây là điều cuốn hút du khách. Vào mùa Thu, những cánh đồng lúa chín vàng cũng là thời điểm thôn Tha trở nên đẹp hơn cả.
Bản Xà Phìn
Nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, bản Xà Phìn thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, sương mù kết hợp độ ẩm cao đã tạo nên những mái nhà có lớp rêu xanh phủ tầng tầng, lớp lớp đầy ấn tượng. Đến đây vào mùa Thu, du khách còn có dịp ngắm ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín hay khám phá những con thác nhỏ quanh thôn
Cao Mã Pờ
Cao Mã Pờ là một xã nằm ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc, cách trung tâm huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang khoảng 1 tiếng đồng hồ di chuyển bằng xe máy. Cao Mã Pờ được đánh giá là nơi có mùa hoa đào đẹp bậc nhất tại Hà Giang với những rừng đào cổ trải dài. Cuối Xuân còn có hoa mận, hoa trà… khoe sắc rực rỡ. Vào mùa Đông, xã vùng biên viễn này là nơi để du khách đến “săn” băng giá.
Bản Khun
Bản Khun là một điểm đến mới trên bản đồ du lịch Hà Giang. Đặt chân đến đây, du khách sẽ cảm thấy không khí mát mẻ, trong lành cùng cảnh sắc yên bình. Bản Khun nằm giữa thung lũng, có khoảng 178 hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống độc đáo của bốn dân tộc Tày, Nùng, Dao, La Chí. Văn hóa đời sống, ẩm thực, trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca… luôn được người dân gìn giữ và phát huy.
Bản Phùng
Bản Phùng là một xã phía Tây của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, cách trung tâm huyện khoảng 30km về phía Tây Bắc. Bản Phùng nổi tiếng với những ruộng lúa bậc thang trùng điệp giữa màn mây. Ruộng bậc thang ở Bản Phùng gắn với văn hóa lịch sử lâu đời của người dân tộc La Chí, Tày, Nùng nơi đây.
Theo Giàng A Phớn (Sài Gòn Tiếp Thị)