Trà chanh giã tay – trend mới ngành F&B, nhưng một số chủ quán từ chối ‘đu trend’ vì vấn đề này

Sau cà phê muối, trà mãng cầu, bánh đồng xu…, trà chanh giã tay với nguyên liệu chủ chốt là chanh nước hoa trở thành món tiếp theo làm nên hiện tượng. Tuy nhiên, một số tranh luận đã nổ ra xung quanh “trend” mới này.

Trà chanh giã tay - trend mới ngành F&B, nhưng một số chủ quán từ chối 'đu trend' vì vấn đề này

Từ đầu năm, sức mạnh của mạng xã hội, đặc biệt là TikTok với hàng loạt review chân thực và hấp dẫn đã tạo “trend” cho nhiều sản phẩm ngành F&B. Có thể kể đến “trend” cà phê muối – xuất phát từ Cà phê muối chú Long, hay trà mãng cầu từ những video trên TikTok của Lyly House và Vy Anh – chủ một quán nước tại tỉnh Long An.

Đối với món nước “hot” nhất hiện nay là trà chanh giã tay, xuất phát điểm được cho là xe bán đồ uống dạo tại quận Tây Hồ (Hà Nội) của anh Hoàng Thế Hảo, bắt đầu từ hồi tháng 7. Được biết, quán của anh Hảo đang bán khoảng 250-300 cốc trà chanh mỗi ngày, giá bán từ 25.000 đồng/cốc.

Sau hàng loạt “trend” nối tiếp nhau xuất hiện trong năm qua, nhiều chủ quán đã nhanh nhạy bổ sung ngay món trà chanh giã tay vào menu, tận dụng tâm lý tò mò muốn “đu trend” của khách hàng. Không chỉ ở Hà Nội, trà chanh giã tay cũng dần được phổ biến tại TP. HCM.

Yếu tố làm nên sức hút của trà chanh giã tay nằm ở loại chanh được sử dụng. Nguyên liệu chính giúp tạo ra hương vị là chanh nước hoa có nguồn gốc từ Quảng Đông (Trung Quốc).

Chanh nước hoa có lớp vỏ sần sùi, khá cứng nhưng thơm hơn hẳn các loại chanh khác, nên rất phù hợp làm đồ uống. Do đặc điểm là ít nước và vỏ dày, nên thay vì vắt như những giống chanh khác, người pha chế phải giã thật mạnh để lấy hương thơm tiết ra từ vỏ, cũng như vị chua của quả chanh.

Theo đánh giá trên mạng xã hội, chanh nước hoa không chát và có chút mùi sả, vị chua dịu chứ không gắt, đặc biệt vỏ rất thơm mà không đắng.

Trà chanh giã tay - trend mới ngành F&B, nhưng một số chủ quán từ chối 'đu trend' vì vấn đề này - 1

Xe trà chanh giã tay “gây sốt” tại quận Tây Hồ (Hà Nội) của anh Hoàng Thế Hảo.

Chuyên gia Brian Đặng – Founder Trung tâm đào tạo & tư vấn các giải pháp cho ngành F&B đánh giá rằng nếu các chủ quán đem trà chanh giã tay về địa phương/khu vực của mình sớm nhất có thể sẽ giúp tạo ra hiệu ứng tốt.

“Cơ bản nhất là nó đã tạo được hiệu ứng truyền thông. Chi phí đầu tư cho trend trà chanh giã tay cũng khá rẻ, chỉ có dụng cụ giã và cối. Vì thế nên đầu tư và cố gắng khai thác trend tốt trong giai đoạn này để thu hút thêm khách. Đến khi down trend bỏ bộ dụng cụ đi cũng không ảnh hưởng gì”, ông Brian nêu quan điểm.

Tuy nhiên, bất chấp đánh giá tốt về hương vị của trà chanh giã tay, cũng như hiệu ứng lan tỏa mà món đồ uống mới này đang tạo ra, trong group dành cho các chủ quán ngành F&B trên Facebook có ý kiến cho rằng nên “bắt trend” một cách có chọn lọc. Họ bày tỏ lo ngại khi nguyên liệu chính của trà chanh giã tay là loại chanh phải nhập từ Trung Quốc.

Trà chanh giã tay - trend mới ngành F&B, nhưng một số chủ quán từ chối 'đu trend' vì vấn đề này - 2

Bộ dụng cụ để làm trà chanh giã tay.

Theo luồng quan điểm này, nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào nước bạn có khả năng dẫn đến tình trạng khi “trend” lên đỉnh thì các thương lái sẽ đẩy giá lên cao. Hiện nay, chanh nước hoa đang được rao với giá dao động từ 80.000 –100.000 đồng/kg.

Thêm vào đó, có nhận định rằng trà chanh giã tay không nằm ngoài nguy cơ trở thành một trend “sớm nở tối tàn” như bánh đồng xu. Mặc dù có thể thu hút khách hàng trong một khoảng thời gian nhất định nhờ hiệu ứng đám đông, mức giá từ 25.000 đồng trở lên cho một ly trà chanh dường như khá chênh lệch với mức 10.000 – 15.000 đồng tồn tại lâu nay.

Ngoài ra, có chủ quán còn đề xuất món nước khác được sáng tạo từ chanh ta, đồng thời kêu gọi tạo những trend ủng hộ nông sản Việt.

Giải mã cơn sốt trà mãng cầu: Từ tuyên bố gây tranh cãi của một chủ quán nước đến xu hướng được loạt thương hiệu như Hảo Hảo, Pizza Hut… “bắt trend”

Theo Minh Anh (An Ninh Tiền Tệ)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *