Từ trung tâm thành phố Tuy Hoà, men theo quốc lộ 25 về hướng Tây khoảng 8km, hai bên đường là những cánh đồng lúa xanh ngắt cuối tháng 8. Nhìn về phía tay phải, giữa cánh đồng mênh mông nổi lên một gành đá sừng sững, mọc thẳng đứng, trải dài một vùng rộng lớn. Đó là Gành đá Hoà Thắng hay còn gọi là Ngũ Thạch Sơn.
Gành đá Hoà Thắng là địa danh được tỉnh cấp bằng chứng nhận “di tích danh lam thắng cảnh”, tuy nhiên lại ít ai biết đến. Sài Gòn Tiếp Thị ghé thăm Gành đá Hoà Thắng vào một sáng nhiều nắng. Thời tiết miền Trung đang độ nắng gắt, đi dọc hai bên đường là cánh đồng lúa bao la.
Gành đá Hòa Thắng được ví von theo nhiều liên tưởng khác nhau như hòn non bộ giữa những cánh đồng hay được ví như hoá thạch của loài rồng. Nhìn từ trên cao khung cảnh nơi đây khá ấn tượng. Tuy nhiên khi đứng ở góc nhìn gần, gành đá này hầu như không có gì quá đặc sắc, sự độc đáo duy nhất là gành đá giống như một điểm nhấn “đính” lên bức tranh bạt ngàn màu xanh.
Theo trang Thổ Địa Phú Yên, thuở xa xưa vùng đất này là biển cả mênh mông. Theo các nhà khoa học, do sự biến đổi của thềm lục địa, phù sa Sông Ba bồi đắp, tạo nên vùng đất ngày nay, để lại Gành đá như một chứng tích về giai đoạn địa chất xa xưa.
Dân gian tương truyền, nơi này khi xưa là vùng đầm lầy trũng thấp, nơi thú dữ trú ngụ, lũ lụt xảy ra triền miên gây tai hoạ cho dân chúng, trời đã sai người khổng lồ, gánh núi lấp những vùng trũng, trong quá trình làm, người khổng lồ làm rơi vãi những mảnh đá nên tạo lên một gành đá như ngày hôm nay.
Nếu quý độc giả mong muốn ghé thăm một địa điểm lạ để thấy sự độc đáo, diệu kỳ của tạo hoá thì có thể thử dừng chân ở Gành đá Hoà Thắng, và cảm nhận thêm sự nhẹ nhàng và yên tĩnh nơi đây. Tuy nhiên, nếu hy vọng tìm một điểm đến hùng vĩ đến mức trầm trồ thì có thể Gành đá Hoà Thắng chưa phải là lựa chọn phù hợp.
Theo Trúc Nhã – Lê Vũ (Sài Gòn Tiếp Thị)